• THUAN VIET PHARMA

    Thuốc aciclovir (acyclovir): Thuốc chống virus và 10 điều bạn cần biết

  • Thứ bảy, 09:12 Ngày 25/07/2020
  • 1. Thuốc aciclovir (acyclovir) là gì?

    1.1. Cơ chế

    Aciclovir (hay acyclovir) là thuốc có tác dụng chống virus Herpes simplex và Varicella zoster. Để có tác dụng, aciclovir phải được chuyển thành dạng có hoạt tính là aciclovir triphosphat nhờ enzym của virus (thymidin kinase) và các enzym của tế bào. Aciclovir triphosphat ức chế sự tổng hợp và nhân lên của virus mà không ảnh hưởng gì đến chuyển hóa của tế bào bình thường.

    Aciclovir cũng có tác dụng đối với một số virus không có thymidin kinase (thí dụ virus Epstein-Barr, Cytomegalovirus). Tuy nhiên, các cơ chế tác dụng này vẫn chưa được nghiên cứu rõ.

    1.2. Tác dụng của thuốc aciclovir

    • Mạnh nhất trên virus Herpes simplex typ 1 (HSV-1)

    • Kém hơn ở virus Herpes simplex typ 2 (HSV-2), virus Varicella zoster (VZV)

    • Tác dụng yếu nhất trên Epstein Barr và Cytomegalovirus (CMV).

    • Không có tác dụng chống lại các virus tiềm ẩn, nhưng có vài bằng chứng cho thấy aciclovir ức chế virus Herpes simplex tiềm ẩn ở giai đoạn đầu tái hoạt động.

    Kháng thuốc: đã thấy virus Herpes simplex kháng aciclovir, do xuất hiện thể đột biến thiếu hụt hay thay đổi đặc tính của thymidin kinase của virus. Việc kháng do thiếu hụt enzym này có thể gây kháng chéo với các thuốc kháng virus khác cùng cơ chế như brivudin, idoxuridin và ganciclovir.

    Virus kháng thuốc trở thành vấn đề lớn cho người bệnh suy giảm miễn dịch. Đặc biệt đối với bệnh AIDS hay nhiễm virus Herpes simplex kháng aciclovir ở da, niêm mạc.

    thuoc-aciclovir-hay-acyclovir

    2. Chỉ định của thuốc aciclovir (acyclovir)

    Thuốc aciclovir (hay acyclovir) được chỉ định trong các trường hợp sau:

    • Điều trị nhiễm virus Herpes simplex (týp 1 và 2) lần đầu và tái phát ở:

      • Niêm mạc – da (viêm miệng – lợi, viêm bộ phận sinh dục)

      • Viêm não – màng não

      • Mắt (viêm giác mạc).

    • Dự phòng nhiễm HSV ở:

      • Niêm mạc – da bị tái phát ít nhất 6 lần/năm

      • Mắt (viêm giác mạc tái phát sau 2 lần/năm) hoặc trường hợp phải phẫu thuật ở mắt.

    • Nhiễm virus Varicella Zoster:

      • Zona, dự phòng biến chứng mắt do Zona mắt.

      • Thủy đậu ở người mang thai: xuất hiện 8 – 10 ngày trước khi đẻ.

      • Thủy đậu sơ sinh.

      • Sơ sinh trước khi phát bệnh: Khi mẹ bị thủy đậu 5 ngày trước và 2 ngày sau khi đẻ.

      • Thủy đậu nặng ở trẻ dưới 1 tuổi.

      • Thủy đậu có biến chứng, đặc biệt viêm phổi do thủy đậu.

    thuoc-aciclovir-hay-acyclovir

    3. Hướng dẫn dùng thuốc aciclovir (acyclovir)

    Điều trị bằng thuốc aciclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.

    3.1. Uống

    Liều tùy theo chỉ định. Sau đây là những liều thông thường tham khảo, bạn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

    Điều trị nhiễm Herpes simplex tiên phát bao gồm cả Herpes sinh dục:

    • Liều thông thường: 200 mg/lần, ngày 5 lần, cách nhau 4 giờ, dùng trong 5 – 10 ngày.

    • Nếu suy giảm miễn dịch nặng hoặc hấp thu kém: 400 mg/lần, ngày 5 lần, dùng trong 5 ngày.

    Loại bỏ tái phát ở người có khả năng miễn dịch:

    • Ít nhất có 6 lần tái phát/năm: Uống 800 mg/ngày chia làm 2 hoặc 4 lần. Liệu pháp điều trị phải ngừng sau 6 – 12 tháng để đánh giá kết quả.

    • Nếu tái phát thưa (< 6 lần/năm), chỉ nên điều trị đợt tái phát: 200 mg/lần, ngày 5 lần, dùng trong 5 ngày. Bắt đầu uống khi có triệu chứng tiến triển.

    Dự phòng HSV ở người suy giảm miễn dịch: 200 – 400 mg/lần, ngày 4 lần

    Nhiễm HSV ở mắt:

    • Điều trị viêm giác mạc do nhiễm HSV ở mắt: 400 mg/lần, ngày uống 5 lần, uống trong 10 ngày.

    • Dự phòng tái phát, viêm giác mạc (sau 3 lần tái phát/năm): 800 mg/ngày chia làm 2 lần. Đánh giá lại sau 6 – 12 tháng điều trị.

    • Trường hợp phải phẫu thuật mắt: 800 mg/ngày, chia làm 2 lần.

    Zona:

    • Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên: 800 mg/lần, 5 lần/ngày, uống trong 5 – 10 ngày.

    • Trẻ em dưới 2 tuổi: dùng 1/2 liều người lớn.

    Thủy đậu:

    • Người lớn: 800 mg/lần, ngày 4 hoặc 5 lần. Uống trong 5 – 7 ngày.

    • Trẻ em:

      • Dưới 2 tuổi: 200 mg/lần, 4 lần mỗi ngày.

      • Trên 2 tuổi: 20 mg/kg, tối đa 800 mg/lần, uống 4 lần/ ngày. Uống trong 5 ngày.

        • 2 – 5 tuổi: 400 mg/lần, 4 lần/ngày.

        • từ 6 tuổi trở lên: 800 mg/lần, 4 lần mỗi ngày.

    thuoc-aciclovir-hay-acyclovir

    3.2. Tiêm truyền tĩnh mạch

    Thời gian tiêm truyền ít nhất 1 giờ. Liều và cách dùng được người có chuyên môn y tế tính toán và thực hiện.

    3.3. Thuốc mỡ

    Điều trị nhiễm Herpes simplex môi và sinh dục khởi phát và tái phát. Cần điều trị càng sớm càng tốt. Nhiễm ở miệng hoặc âm đạo hoặc nhiễm Herpes zoster, cũng phải dùng điều trị toàn thân nếu cần (uống).

    Cách dùng thuốc mỡ: Bôi lên vị trí tổn thương cách 4 giờ một lần (5 – 6 lần/ ngày) trong 5 đến 7 ngày, bắt đầu ngay từ khi xuất hiện triệu chứng.

    Thuốc mỡ tra mắt: Ngày bôi 5 lần (tiếp tục ít nhất 3 ngày sau khi đã dùng liều điều trị).

    4. Đối tượng đặc biệt sử dụng thuốc

    Với người bệnh suy thận: điều chỉnh liều ở người suy thận, liều và số lần dùng thuốc phải thay đổi tùy theo mức độ tổn thương thận.

    Liều với người bệnh suy thận kèm nhiễm HIV cũng thay đổi theo độ thanh thải creatinin (ml/phút)

    5. Trường hợp không nên dùng thuốc aciclovir (acyclovir)

    Chống chỉ định dùng thuốc aciclovir cho người mẫn cảm với thuốc.

    6. Lưu ý khi dùng aciclovir (acyclovir)

    Thận trọng với người suy thận:

    • Liều dùng phải điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin.

    • Tránh tiêm nhanh: tiêm truyền tĩnh mạch chậm ít nhất trong 1 giờ để tránh kết tủa aciclovir trong thận.

    • Tránh tiêm với một lượng lớn. Tiêm truyền tĩnh mạch liều cao có thể gây tăng creatinin huyết thanh có hồi phục, đặc biệt ở người bị mất nước, dễ làm tăng kết tủa aciclovir trong ống thận.

    • Cần cho đủ nước.

    • Tránh dùng đồng thời các thuốc độc thận vì tăng nguy cơ suy thận.

    Tiêm tĩnh mạch aciclovir có thể gây các biểu hiện bệnh não. Phải thận trọng khi tiêm cho người:

    1. Có bệnh về hệ thần kinh, gan, thận, rối loạn điện giải, trạng thái thiếu oxygen.

    2. Đã có phản ứng thần kinh khi dùng các thuốc độc cho tế bào hoặc đã tiêm methotrexat vào ống tủy hoặc interferon.

    7. Tác dụng phụ của aciclovir (acyclovir)

    Các tác dụng phụ thường hiếm gặp sau khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc aciclovir.

    • Các phản ứng ít gặp tại chỗ tiêm: thường do thuốc tiêm ra ngoài tĩnh mạch, gây viêm và hoại tử mô.

    • Hiếm gặp:

      • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch).

      • Huyết học: thiếu máu, viêm hạch bạch huyết, hội chứng tan huyết tăng urê máu,… đã có tử vong ở người suy giảm miễn dịch dùng liều cao aciclovir.

      • Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, kích động. Ít gặp các phản ứng thần kinh hoặc tâm thần (ngủ lịm, run, lẫn, ảo giác, cơn động kinh).

      • Da: phát ban, ngứa, mày đay.

      • Các phản ứng khác: sốt, đau, test gan tăng, viêm gan, vàng da, đau cơ, phù mạch, rụng tóc. Thuốc có thể kết tủa ở ống thận khi tiêm tĩnh mạch, dẫn đến suy thận cấp.

    Hướng dẫn xử trí:

    Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc. Các tác dụng phụ thường hiếm xảy ra và nhẹ, tự hết. Nếu các triệu chứng nặng như lú lẫn, hôn mê ở người suy thận, phải ngừng thuốc ngay. Diễn biến thường tốt sau khi ngừng thuốc, ít khi phải thẩm phân máu.

    8. Tương tác thuốc khi dùng aciclovir (acyclovir)

    • Probenecid làm giảm thải trừ qua nước tiểu và độ thanh thải của aciclovir.

    • Dùng đồng thời zidovudin và aciclovir có thể gây trạng thái ngủ lịm và lơ mơ. Cần theo dõi sát người bệnh khi phối hợp.

    • Interferon có thể làm tăng tác dụng chống virus HSV-1 của aciclovir, tuy nhiên vẫn chưa rõ.

    • Amphotericin B và ketoconazol làm tăng hiệu lực chống virus của aciclovir.

    • Thận trọng dùng aciclovir tiêm cho người đã dùng methotrexat vào ống tủy sống

    Liệt kê với bác sĩ những thuốc, thực phẩm mà bạn đang sử dụng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay lại cho bác sĩ.

    9. Xử trí khi quá liều aciclovir (acyclovir)

    Triệu chứng: Ở người suy thận khi tiêm tĩnh mạch aciclovir liều quá cao đã thấy làm thay đổi ý thức từ lú lẫn, ảo giác đến hôn mê. Tiêm tĩnh mạch liều duy nhất 80 mg/kg chưa gây ra triệu chứng quá liều.

    Xử trí: Thẩm phân máu đến khi chức năng thận phục hồi, ngừng thuốc, cho truyền nước và điện giải. Tiến triển thường tốt sau khi ngừng thuốc và thẩm tách máu.

    10. Phụ nữ có thai và cho con bú

    Thời kỳ mang thai: Chỉ nên dùng aciclovir cho người mang thai khi lợi ích điều trị vượt hơn rủi ro xảy ra với thai nhi.

    Thời kỳ cho con bú: aciclovir bài tiết qua sữa mẹ khi dùng đường uống. Tuy  chưa có ghi nhận về tác dụng có hại cho trẻ nhưng thận trọng khi dùng thuốc aciclovir ở người cho con bú.

    11. Cách bảo quản thuốc

    Bảo quản thuốc aciclovir ở nhiệt độ 15 – 25oC, tránh ẩm và ánh sáng.

    Thuốc aciclovir (hay acyclovir) là thuốc điều trị nhiễm virus Herpes ở niêm da, não, mắt; nhiễm Varicella Zoster, Zona mắt, thủy đậu… Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc aciclovir. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

                                                                                                                                                           Dược sĩ Trần Vân Thy 

      Bài viết liên quan