Tin sức khỏe - đời sống
Những hóa chất gây biến đổi giới tính
1. Nhóm chất Phthalates
Phthalates là một nhóm hóa chất được sử dụng như một chất để giúp nhựa dẻo, mềm hơn, đồng thời tăng khả năng chịu nhiệt ở các sản phẩm. Chất này thường có mặt ở các sản phẩm nội thất ô tô, ống nhựa, đồ chơi kém chất lượng, đồ nhựa không nhãn mác, xuất xứ… Ngoài ra còn có trong chất tẩy rửa, dầu bôi trơn, bao bì thực phẩm, túi máu và ống,… Có rất nhiều ý kiến trái chiều về mức độ biến đổi giới tính của nhóm chất này.
Những dạng tồn tại của Phthalates trong các sản phẩm
-
Được sử dụng làm chất làm dẻo trong các sản phẩm như sơn móng tay (giảm nứt móng bằng cách làm cho chúng ít giòn hơn
-
Được sử dụng trong thuốc xịt tóc (để giúp tránh độ cứng bằng cách cho phép chúng tạo thành một lớp màng linh hoạt trên tóc).
-
Được sử dụng làm dung môi và cố định trong nước hoa. Theo khảo sát mới nhất của FDA về mỹ phẩm (2010), DBP và DMP hiện hiếm khi được sử dụng. DEP là phthalate duy nhất vẫn thường được sử dụng trong mỹ phẩm.
Trong quá trình sử dụng sản phẩm, các dẫn chất Phthalates sẽ tách ra, hòa vào không khí hay thức ăn đang đựng rồi theo đường tiêu hóa vào cơ thể con người. Tác hại mà nó đem lại cho cơ thể là xáo trộn nội tiết tố, khiến bé gái bị nhiễm Phthalates dễ dậy thì trước tuổi.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Rochester (Mỹ) cho thấy, Phthalates còn có tính kháng nội tiết tố sinh dục nam – androgen. Khi tiếp xúc với Phthalates thường xuyên, nhiều bé trai sẽ có hành vi ít nam tính hơn cùng sự xáo trộn hormone sinh dục nam trong cơ thể.
Tháng 10/2012, Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra một tối hậu thư cho Trung Quốc và cảnh báo không nhập khẩu một số mặt hàng của nước này. Bao gồm đồ chơi trẻ em, do các sản phẩm này không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn. Theo đó, đồ chơi sẽ bị coi là không an toàn nếu Phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm.
2. Bisphenol-A (BPA)
Bisphenol-A (BPA) là một hóa chất công nghiệp có trong thành phần sản xuất các loại chai nhựa cứng và hộp đựng thực phẩm. Các nghiên cứu gần đây đưa ra một số lo ngại về những tác động tiềm ẩn mà BPA gây ra cho não, tuyến tiền liệt ở bào thai, rối loạn cảm xúc hành vi, gây vô sinh ở nam giới và đặc biệt, nó có thể làm biến đổi giới tính con người.
Có một sự thật mà ít người biết đó là BPA dễ hòa tan trong chất béo, nó thâm nhập vào cơ thể con người thông qua thức ăn và hô hấp bởi chúng xuất hiện ở cả bụi bay trong nhà.
Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, một số loại thực phẩm được đóng trong hộp thiếc không đảm bảo hay túi nilon kém chất lượng có chứa hóa chất Bisphenol-A (BPA) cao gấp 1.000 lần so với thực phẩm tươi sống.
Một nghiên cứu được nhà sinh vật học phân tử Patricia Hunt tiến hành trên chuột chỉ ra, chất BPA có thể gây nhiễu loạn hệ gene di truyền và làm giới tính con người bị biến đổi. Không những thế, thí nghiệm tiếp theo còn cho thấy, tổn thương nhiễm sắc thể ở chuột cái diễn ra trong nhiều thế hệ và là nguyên nhân gây ra hiện tượng đẻ non.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên làm nóng các loại thực phẩm đựng trong sản phẩm nhựa có chứa BPA bởi mức độ nguy hiểm tăng lên rất nhiều. Ngoài ra cần lưu ý trước khi mua sử dụng các sản phẩm nhựa. Nếu thấy hình tam giác với số 7 ở trong thì sản phẩm đó có sự hiện diện của chất BPA. Tuy không gây ảnh hưởng ngay lập tức nhưng nên hạn chế.
3. Atrazine
Đây là một trong những loại thuốc diệt cỏ phổ biến và gây nhiều tranh cãi, có thể biến ếch đực thành ếch cái. Kết quả thử nghiệm của các chuyên gia thuộc ĐH California Berkeley (Mỹ) chỉ ra ảnh hưởng của Atrazine. Nó được biết là chất phá vỡ các hormone và là “nghi can” chính trong sự giảm sút số lượng động vật lưỡng cư trên toàn thế giới. Liên minh châu Âu đã chính thức cấm sử dụng Atrazine từ năm 2004.
Sau khi tiến hành nghiên cứu trên 40 con ếch đực, giáo sư Tyrone Hayes và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng: Những con ếch đực tiếp xúc với chất diệt cỏ atrazine bị mất khả năng của giống đực và biến thành con cái khi trưởng thành.
Nghiên cứu sâu hơn, chuyên gia nhận thấy, chất Atrazine có khả năng chuyển đổi nội tiết tố nam thành nội tiết tố nữ khiến cho bộ phận sinh dục nữ phát triển trên cơ thể con đực. Điều này cho thấy: “Atrazine đã gây ra sự mất cân bằng hormone khiến ếch phát triển giới tính sai về mặt cấu tạo di truyền”.
Dù hiện nay các nhà khoa học chưa đủ bằng chứng để khẳng định, Atrazine ảnh hưởng lên con người như với loài ếch. Nhưng nhiều người vẫn lo ngại về mối liên hệ giữa việc sử dụng nguồn nước có nhiễm Atrazine sẽ gây hại cho cơ thể và tác động đến vấn đề sinh sản của con người.
Nguồn Youmed