• THUAN VIET PHARMA

    An nam tử (hạt Ươi): Thanh nhiệt giải độc, chữa ho

  • Thứ bảy, 16:58 Ngày 19/09/2020
  • 1. Giới thiệu về vị thuốc

    1.1. Nhận dạng cây An nam tử (Lười ươi)

    An nam tử là một cây thuộc họ Trôm, to cao 30 đến 40m hay hơn. Cây Lười ươi có đường kính thân cây 0,8 – 1m, thân có thể cao 10 – 20m mà chưa phân nhánh. Cành cây có góc, lúc non có lông màu hung, về sau nhẵn.

    Cây An nam tử (Lười ươi)

    Cây An nam tử (Lười ươi)

    Lá cây mọc tập trung ở đỉnh cành, phiến to dài 10 – 20cm, rộng 6 – 12cm. Thông thường lá có 3 thuỳ, nhất là lá lúc còn non. Mặt trên lá màu lục, mặt dưới màu nâu hay ánh bạc.Hoa nhỏ, không cuống, hợp thành từng chùm 3 – 5 bông. Quả nang với 1 – 5 quả đại cao 10 – 15cm (tới 24cm), mặt ngoài màu đỏ. Mặt trong quả màu lục ánh bạc, vỏ quả mỏng. Hạt to bằng ngón tay, hình bầu dục hay thuôn dài.

    Quả xuất hiện vào tháng 3 – 4, trước khi lá phát triển. Quả xuất hiện vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 trước khi hạt chín. Khi chín quả tách ra, hạt còn lại có 2 cánh, thường nhầm là quả.

    1.2. Nơi sống, thu hái và bộ phận dùng

    Cây phổ biến ở miền Nam nước ta như Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Bình Thuận… cũng xuất hiện cây Lười ươi. Vào tháng 4 – 5, người ta thu hoạch hạt phơi hay sấy khô.

    Bộ phận sử dụng là hạt. Khi đem ngâm nước, vỏ trong của hạt ngấm nước làm cho hạt nở to gấp 8 – 10 lần thể tích khi khô. Nó cho ra một chất nhầy màu nâu nhạt, trong, vị hơi chát và uống mát. Người ta thường thêm đường vào để uống giải khát.

    Chùm hạt An nam tử

    Chùm hạt An nam tử

    2. Thành phần hoá học

    Hạt Lười ươi gồm hai phần, phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ chiếm 65%. Trong nhân có chất béo (2,98%), tinh bột và sterculin, bassorin. Còn phần vỏ có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tanin.

    Thành phần đường chủ yếu trong An nam tử là galactose, pentose và arabinose.

    Hạt An nam tử khô

    Hạt An nam tử khô

    3. Công dụng của An nam tử

    Theo y học cổ truyền, An nam tử có vị ngọt, nhạt, tính mát. Vị thuốc này có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi yếu hầu (tức là điều trị các bệnh đường hô hấp gây ho, nóng rát cổ họng). Nó còn tác dụng thanh trường thông tiện (tức là làm mát đường tiêu hóa, giúp đại tiện thuận lợi).

    Theo các tài liệu hiện nay, dược liệu chữa các bệnh nhiệt, nóng trong người, sốt âm ỉ, ho khan, đau họng, đại tiện khô bón, mụn lở. Hạt Lười ươi được xem là một loại thuốc bổ mát, thêm dịch cho cơ thể, không gây hại.

    4. Cách dùng

    Khoảng 4 – 5 hạt, ngâm với 1 lít nước và có một thứ nước sền sệt như thạch. Sau đó, thêm đường vào tùy khẩu vị uống mỗi người, trong trường hợp ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu. Ngoài ra, để giải khát hằng ngày có thể dùng 2 – 3 hạt ngâm trong cốc nước nóng, chờ hạt nở ra hoàn toàn.

    Hạt An nam tử đã nở sau khi ngâm (bên phải)

    Hạt An nam tử đã nở sau khi ngâm (bên phải)

    Tác dụng trị táo bón của An nam tử đến từ thành phần chất nhầy, chất xơ. Bên cạnh đó, uống hạt Ươi đã trương nở làm tăng lượng nước trong phân, giúp đại tiện dễ dàng hơn. Cũng từ tác dụng trên, ta không nên dùng quá nhiều, vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Cần ngâm cho hạt nở ra hoàn toàn rồi mới uống, vì nếu hạt vào dạ dày, ruột mới nở có thể gây trở ngại cho tiêu hóa.

    Kinh nghiệm điều trị chảy máu cam từ An nam tử: lấy khoảng 5 hạt, sao vàng, nấu lấy nước uống thay nước trong ngày sẽ có hiệu quả tốt.

    Lưu ý: người bị viêm đại tràng mạn tính gây lạnh bụng, tiêu chảy, phụ nữ mang thai, cho con bú không nên dùng, hoặc cần sự hướng dẫn từ thầy thuốc có kinh nghiệm.

    Ngâm 2 - 3 hạt vào một cốc nước

    Ngâm 2 – 3 hạt vào một cốc nước

    5. Một nghiên cứu về An nam tử

    Trong một nghiên cứu tiến hành trên chuột, người ta gây đau chuột bằng cách thử nghiệm trên đĩa nóng hoặc chích thuốc vào màng bụng, chân. Chuột được cho uống chiết xuất cồn của hạt An nam tử. Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch chiết An nam tử có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt cho chuột ở tất cả thí nghiệm. Tuy nhiên, để đưa vào sử dụng, cần có những nghiên cứu tiếp theo để chứng minh tác dụng cũng như bào chế thành dạng thuốc có thể sử dụng tiện lợi, hiệu quả.

    Một số thông tin có nhắc đến tác dụng chữa sỏi thận, thoái hóa cột sống của An nam tử. Tuy nhiên, chưa có các nghiên cứu chứng minh những tác dụng trên.

    An nam tử có tên thường gọi là hạt Ươi. Đây là một vị thuốc nam, một thức uống giải khát quen thuộc. Nó có tác dụng làm mát cơ thể, điều trị nóng trong người, ho khan, cung cấp chất nhầy, chất xơ điều trị táo bón. Nghiên cứu trên chuột cho thấy dịch chiết của dược liệu có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt.

                                                                                                                                                                                Bác sĩ Lê Ngọc Bảo

      Bài viết liên quan