• THUAN VIET PHARMA

    Hội chứng Stockholm: Hiện tượng tâm lý phức tạp

  • Thứ sáu, 11:56 Ngày 14/08/2020
  • 1. Hội chứng Stockholm là gì?

    Hội chứng Stockholm hay quan hệ bắt cóc, là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý. Trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm. Hiện tượng này có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc.

    Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của “nạn nhân” hoàn toàn vô lý.  Bởi vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc. Mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua. Hệ thống quản lý dữ liệu bắt cóc của FBI ước tính ít nhất tám phần trăm nạn nhân có biểu hiện của hội chứng Stockholm.

    Hội chứng Stockholm không những chỉ phát triển ở những nạn nhân bắt cóc. Nó có thể xuất hiện ở bất cứ ai nằm trong dạng quan hệ “vô cùng thân thiết và gần gũi trong đó một người xúc phạm, đánh đập, đe dọa, hành hạ (tâm lý hoặc/và thể xác) người còn lại”.

    Có nhiều giả thiết giải thích sự tồn tại của Hội chứng Stockholm. Một trong số đó được dựa trên lý thuyết của nhà phân tâm học Anna Freud. Sự đồng cảm của nạn nhân với kẻ hành hạ là cách mà nạn nhân phản ứng với nỗi đau mà họ đang phải trải qua. Bằng cách đồng hóa bản thân với kẻ hành hạ, bản ngã của nạn nhân được bảo vệ. Khi đó, nạn nhân chia sẻ chung những suy nghĩ, thái độ và giá trị với kẻ hành hạ. Họ “tạm quên mất” rằng mình đang bị đe dọa.

    2. Lịch sử của hội chứng Stockholm.

    Hội chứng Stockholm có thể đã xảy ra trong nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ. Nhưng đến năm 1973, tình trạng bệnh lý này mới được đặt tên bởi tâm thần học Nils Bejerot.

    Sự kiện này xảy ra tại một vụ cướp ngân hàng ở Stockholm, Thụy Điển. Khi hai người đàn ông bắt giữ bốn người làm con tin trong 6 ngày. Sau khi con tin được thả ra, họ từ chối làm chứng chống lại những kẻ bắt giữ họ.

    Sau đó, các nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã gán cho thuật ngữ hội chứng Stockholm là tình trạng xảy ra khi con tin phát triển mối liên hệ về mặt cảm xúc hoặc tâm lý với những người giam giữ chúng.

    Mặc dù được nhiều người biết đến, tuy nhiên, hội chứng Stockholm không được công nhận bởi ICD hay DSM. Các hướng dẫn này thường được sử dụng bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần.

    3. Những triệu chứng và dấu hiệu nào để nhận biết hội chứng Stockholm?

    Hội chứng Stockholm được công nhận bởi ba triệu chứng riêng biệt:

    • Nạn nhân phát triển cảm xúc tích cực với những người đã và đang giam cầm hoặc lạm dụng họ.

    • Nạn nhân nảy sinh cảm xúc tiêu cực đối với cảnh sát, những người có thẩm quyền. Hoặc bất kỳ ai có thể đang cố gắng giúp họ thoát khỏi kẻ bắt giữ. Họ thậm chí có thể từ chối hợp tác chống lại người bắt giữ họ.

    • Nạn nhân bắt đầu đồng cảm với người bắt giữ, tin rằng họ có cùng mục tiêu và giá trị.

    Trạng thái này có thể xảy ra trong hoàn cảnh giam giữ hoặc bắt cóc. Bởi vì những nạn nhân thường cảm thấy bị đe dọa bởi kẻ bắt giữ họ. Nhưng họ cũng rất phụ thuộc vào thủ phạm để sinh tồn. Kẻ bắt cóc hoặc lạm dụng thể hiện lòng tốt, nạn nhân có thể nảy sinh cảm xúc tích cực. Theo thời gian, nhận thức đó bắt đầu thay đổi và bị sai lệch cách nhìn về người giam giữ hoặc lạm dụng họ.

    Các triệu chứng của hội chứng Stockholm cũng đã được xác định trong mối quan hệ nô lệ và chủ, trong các trường hợp vợ hoặc chồng dùng vũ lực và các thành viên của các giáo phái.

    Điều kiện để hội chứng Stockholm xảy ra trong bất kỳ tình huống nào rất phức tạp. Nó cần biểu hiện ít nhất ba đặc điểm:

    • Một mối quan hệ quyền lực không đồng đều nghiêm trọng. Trong đó kẻ giam giữ bắt các tù nhân làm những việc họ có thể và không thể thực hiện.

    • Kẻ giam giữ đe dọa cái chết hoặc thương tích cho tù nhân.

    • Một bản năng tự bảo vệ từ phía tù nhân.

    Đặc điểm của hội chứng này là tù nhân tin rằng bản thân không thể thoát khỏi kẻ bắt có. Do đó để sống sót, họ cần tuân theo các yêu cầu của chúng. Bên cạnh đó, người bị bắt cóc không thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì vậy không một quan điểm nào từ người bên ngoài có thể thâm nhập vào trong tâm trí họ.

    4. Nguyên nhân gây ra hội chứng Stockholm là gì?

    Lý do chính xác đằng sau tình trạng tâm lý này rất phức tạp. Qua nhiều năm, các bác sĩ tâm thần và tội phạm học nổi tiếng đã ghi nhận một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng Stockholm. Tình trạng đặc biệt này xuất hiện khi:

    • Những con tin cảm thấy kẻ bắt cóc cho họ cơ hội sống bằng việc không giết họ. Điều này ngay lập tức làm cho họ nhìn kẻ bắt cóc theo chiều hướng tích cực hơn.

    • Những người bị bắt cóc được những kẻ bắt cóc đối xử một cách thông cảm. Khi thủ phạm những kẻ bắt cóc cung cấp cho các nạn nhân một môi trường sống tốt. Các con tin bắt đầu thấy họ được cư xử tốt vì thông thường các nạn nhân cho rằng kẻ bắt cóc sẽ đối xử với họ rất gay gắt.

    • Những người bị giam cầm hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Điều này làm cho họ nhận ra quan điểm của kẻ bắt cóc. Nạn nhân bắt đầu hiểu được những tình huống có thể đã buộc kẻ bắt cóc phạm tội. Họ cố gắng giúp kẻ bắt cóc và trở nên thông cảm với các nguyên nhân phạm tội của chúng.

    • Những người bị bắt cóc bắt đầu phát triển kết nối tâm lý hoặc cảm xúc với kẻ bắt cóc.

    • Sống với nhau trong nhiều ngày có thể khiến hai người khác nhau gần gũi với nhau. Từ đó, nạn nhân và kẻ phạm tội có thể bắt đầu chia sẻ những lợi ích chung.

    • Những người bị bắt cóc phát triển một thói quen muốn làm hài lòng kẻ bắt cóc họ. Lúc đầu, đây là một điều bức thiết và những người bị bắt cóc buộc phải đứng về phía kẻ bắt cóc mình để thoát khỏi các cách cư xử khắc nghiệt hay thậm chí bị giết. Nhưng khi điều này trở thành một thói quen, nó tiếp tục tồn tại dù không còn đe dọa nào.

    • Những người bị bắt cóc bắt đầu phát triển một trạng thái phụ thuộc vào kẻ bắt cóc. Điều này xảy ra khi những người bị bắt cóc không có người thân để quay lại. Trong trường hợp kẻ bắt cóc đã giết người thân của mình, nạn nhân cảm thấy bất lực và cần được cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn. Điều này trở thành một nhu cầu cần thiết ngay cả khi không còn mối đe dọa từ phía kẻ bắt cóc.

    5. Một số trường hợp nổi tiếng về hội chứng Stockholm

    Patty Hearst, cháu gái của doanh nhân và nhà xuất bản báo William Randolph Hearst. Cô đã bị bắt cóc vào năm 1974 bởi Quân đội Giải phóng Symbionese (SLA). Trong thời gian bị giam cầm, cô từ bỏ gia đình, lấy tên mới.  Cô ấy thậm chí gia nhập SLA để cướp ngân hàng. Sau đó, Hearst bị bắt, cô đã sử dụng hội chứng Stockholm để bào chữa trong phiên tòa của mình. Sự bào chữa đó không có tác dụng, và cô đã bị kết án 35 năm tù.

    Natascha Kampusch. Năm 1998, Natascha, 10 tuổi, bị bắt cóc và giữ dưới lòng đất trong một căn phòng tối, cách nhiệt. Kẻ bắt cóc cô, Wolfgang Přiklopil, đã giam cầm cô trong hơn 8 năm. Trong thời gian đó, anh thể hiện lòng tốt, nhưng anh cũng đánh cô và dọa giết cô. Natascha trốn thoát và Přiklopil thì tự sát. Các tin tức tại thời điểm đó, báo cáo Natascha đã khóc và không thể chấp nhận được điều này.

    Mary McElroy. Năm 1933, bốn người đàn ông bắt cóc Mary 25 tuổi, xiềng cô vào tường trong một trang trại bỏ hoang. Những kẻ bắt cóc hăm dọa và đòi tiền chuộc từ gia đình cô. Khi cô được thả ra, cô không khai tên kẻ bắt giữ mình trong phiên tòa. Cô cũng công khai bày tỏ sự thông cảm với họ.

    6. Điều trị hội chứng Stockholm như thế nào?

    Tư vấn hoặc điều trị tâm lý trong khoảng thời gian ngắn cho các rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể giúp giảm bớt các vấn đề tức thời. Chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm. Điều này hỗ trợ cho sự phục hồi sau này. Liệu pháp tâm lý dài hạn có thể giúp người bệnh hồi phục hơn nữa.

    Các nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu có thể hướng dẫn cho bệnh nhân các cơ chế đối phó lành mạnh. Ngoài ra còn hướng dẫn các công cụ phản hồi để giúp bạn hiểu những gì đã xảy ra. Tại sao nó xảy ra và làm thế nào bạn có thể đối mặt với nó. Tiến hành điều chỉnh cảm xúc tích cực. Điều này có thể giúp bạn hiểu những gì đã xảy ra không phải là lỗi của bạn.

    Tuy nhiên để hiểu quá trình này rõ hơn, cũng như điều trị tối ưu hội chứng này cần quá trinh lâu dài. Ngoài ra còn cần sự gắn bó và thấu hiểu giữa nhà tâm lý và bệnh nhân.

    Hội chứng Stockholm là một hiện tượng tâm lý rất kì lạ và phức tạp của con người.  Hiện tượng này thường liên quan đến các vụ bắt cóc và giam giữ con tin. Ngoài ra, nó có thể xảy ra ở một số hoàn cảnh khác, đặc biệt là sau chấn thương tâm lý. Hiện nay, vẫn chưa hiểu hết cơ chế của hội chứng này. Tuy nhiên phát hiện và điều trị tâm lý sớm mang lại lợi ích đáng kể cho cả bệnh nhân và gia đình. Từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển bình thường của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

    Bác sĩ Lương Sỹ Bắc

      Bài viết liên quan