• THUAN VIET PHARMA

    Ho mạn tính: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

  • Thứ hai, 09:34 Ngày 05/10/2020
  • 1. Ho mạn tính là bệnh gì?

    Tình trạng ho kéo dài từ 8 tuần trở lên ở người lớn hoặc 4 tuần ở trẻ em được gọi là ho mạn tính. Do vậy chúng gây phiền toái người bệnh nhiều, có thể làm gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Trường hợp nặng của ho mạn tính có thể gây nôn mửa, chóng mặt và thậm chí gãy xương sườn. Đôi khi rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng ho mạn. Tuy vậy thường khi điều trị được nguyên nhân thì ho mạn tính sẽ biến mất.

    2. Triệu chứng thường đi kèm

    Ho mạn tính có thể xảy ra với nhiều dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

    • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

    • Cảm giác có chất dịch chảy xuống mặt sau của cổ họng (chảy mũi sau)

    • Thường xuyên đau rát cổ họng

    • Khàn tiếng

    • Khò khè và khó thở

    • Ợ nóng hoặc ợ chua

    • Ho ra máu trong một số trường hợp hiếm.

    3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu sau

    • Có triệu chứng ho kéo dài nhiều tuần, đặc biệt ho có đàm hay ho ra máu

    • Ho ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn

    • Việc học hoặc việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ho kéo dài

    4. Nguyên nhân nào gây ra bệnh ho mạn tính?

    Thỉnh thoảng ho húng hắn vài tiếng là điều hoàn toàn bình thường. Điều này giúp làm sạch các chất kích thích, chất tiết từ phổi và cũng ngăn ngừa một số tác nhân gây bệnh.

    Tuy nhiên, ho dai dẳng kéo dài nhiều tuần thường là bệnh lý. Trong nhiều trường hợp, có nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra tình trạng ho kéo dài nhiều ngày.

    4.1. Các nguyên nhân phổ biến

    • Chảy mũi sau. Khi mũi hoặc xoang tạo ra quá nhiều dịch nhầy. Dịch có thể chảy xuống mặt sau của cổ họng và kích hoạt phản xạ ho. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên;

    • Hen suyễn. Ho do hen thường liên quan theo mùa hoặc xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh sẽ trở nặng sau khi bạn tiếp xúc với không khí lạnh hay một số hóa chất hoặc nước hoa. Trong một kiểu hen đặc biệt, ho chính là triệu chứng nổi trội nhất.

    • Trào ngược dạ dày thực quản. Đây là tình trạng bệnh phổ biến. Axit dạ dày chảy ngược lên thực quản đến họng. Các kích thích liên tục có thể dẫn đến ho kéo dài. Ngược lại, ho lại làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn, đây chính là một vòng lẩn quẩn.

    • Nhiễm trùng. Ho có thể kéo dài lâu sau mắc bệnh viêm phổi, cúm, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác dù chúng đã hết. Một nguyên nhân phổ biến nhưng hiếm khi gây ho mạn tính ở người lớn là bệnh ho gà.

    • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tình trạng viêm đường dẫn khí chính (phế quản) kéo dài có thể gây ra tắc nghẽn đường dẫn khí. Sau đó, bệnh diễn tiến thành viêm phế quản mạn và khí phế thủng. Viêm phế quản mạn là nguyên nhân ho có đàm mạn tính. Khí phế thũng thường gây khó thở và tổn thương các phế nang. Hầu hết người mắc COPD đã từng hoặc đang hút thuốc lá.

    • Thuốc huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển (ACE) thường được kê toa điều trị bệnh cao huyết áp và suy tim. Và đây chính là nguyên nhân gây ho mạn tính ở một số người.

    4.2. Các nguyên nhân ít gặp

    • Hít sặc (thực phẩm ở người lớn; các dị vật ở trẻ em)

    • Giãn phế quản (đường dẫn khí bị tổn thương, giãn lớn)

    • Viêm tiểu phế quản

    • Bệnh xơ nang

    • Trào ngược hầu thanh quản (axit dạ dày chảy ngược vào cổ họng)

    • Ung thư phổi

    • Viêm phế quản dị ứng không phải hen (viêm đường hô hấp không do hen suyễn);

    • Bệnh Sarcoidosis (tập hợp của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, thường ở phổi).

    • Bệnh xơ phổi nguyên phát (xơ phổi mạn tính do tác nhân không rõ)

    5. Nguy cơ mắc ho mạn tính gồm những gì?

    Nguy cơ hàng đầu gây nên tình trạng viêm mạn tính vẫn là đã từng hoặc đang hút thuốc lá. Việc tiếp xúc khói thuốc lá cũng có nguy cơ gây ho và tổn thương phổi.

    ho-man-tinh-1

    Nguy cơ hàng đầu gây nên ho kéo dài là hút thuốc lá.

    6. Các biến chứng do ho mạn tính gây ra

    Ho mạn tính kéo dài có thể gây suy kiệt. Ho có thể là nguyên nhân dẫn đến vô số các vấn đề khác, mà ví dụ như:

    • Mất ngủ

    • Đau đầu

    • Chóng mặt

    • Nôn ói

    • Vã mồ hôi

    • Tiểu không tự chủ

    • Gãy xương sườn

    • Ngất (mất ý thức)

    ho-man-tinh-2

    Ho kéo dài có thể làm trẻ kiệt sức, đau đầu, mất ngủ.

    7. Chẩn đoán bệnh ho mạn tính

    Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng để đưa ra chẩn đoán. Tiền sử bệnh của bạn cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán nguyên nhân bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm.

    Tuy nhiên, có một số bác sĩ vẫn sẽ khởi đầu điều trị một nguyên nhân hàng đầu gây ho mạn tính thay vì để bạn phải làm những xét nghiệm đắt tiền. Nếu không đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ đề nghị làm thêm xét nghiệm.

    Một số xét nghiệm sẽ được dùng để chẩn đoán bệnh ho mạn tính

    • Chụp X-quang: đây là phương pháp nhanh chóng và dễ dàng để thấy hình ảnh phổi. Nhờ đó mà có thể xem xét liệu bạn có mắc ung thư phổi, viêm phổi hay bệnh phổi khác. Tuy vậy Xquang sẽ không giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân như chảy nước mũi sau, trào ngược dạ dày hay hen. Ngoài ra, Xray xoang có thể giúp chẩn đoán viêm xoang.

    • CT scan ngựcCT-scan sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây ho mạn tính ở phổi hoặc xoang.

    • Đo hô hấp kí (chức năng phổi). Đây là một xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn, giúp chẩn đoán hen và COPD. Ngoài ra xét nghiệm giúp đánh giá dung tích phổi và thể tích khí thở ra nhanh. Bác sĩ có thể đề nghị thêm xét nghiệm sau hít methacholine. Đây là phương tiện hỗ trợ để bác sĩ chẩn đoán chắn chắn hen ở bệnh nhân hơn.

    • Xét nghiệm sinh hóa : Nếu đàm mà bạn ho và khạc ra có màu (xanh, vàng, nâu, đỏ), các bác sĩ sẽ xét nghiệm đàm này để tìm nguyên nhân gây bệnh.

    • Nội soi: Bác sĩ sẽ cân nhắc làm nội soi nếu sau khi làm các xét nghiệm trên không giúp chẩn đoán nguyên nhân bệnh.

    Các loại nội soi gồm:

    • Nội soi phế quản. Bác sĩ dùng một ống mềm, mỏng có đầu đèn và camera đưa vào đường dẫn khí vào phổi. Có thể sẽ sinh thiết tế bào trên đường dẫn khí nếu có dấu hiệu bất thường.

    • Nội soi mũi họng. Bác sĩ dùng một ống nội soi chuyên biệt đưa vào mũi. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát kĩ cấu trúc mũi, xoang và đường hô hấp trên.

    Ở trẻ em cần làm xét nghiệm gì?

    Bác sĩ sẽ kết hợp chụp Xquang phổi và đo hô hấp kí để tìm nguyên nhân gây ra ho mạn tính ở trẻ em.

    8. Điều trị ho mạn tính

    Xác định nguyên nhân gây ho mạn tính là rất quan trọng để điều trị ho hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, ho mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp với nhau.

    • Nếu bạn đang hút thuốc lá, bác sĩ sẽ trao đổi và hỗ trợ bạn cai thuốc lá.

    • Nếu bạn đang dùng thuốc ức chế men chuyển (thuốc điều trị tăng huyết áp), bác sĩ có thể chuyển sang dùng một loại thuốc khác không gây ho.

    Các loại thuốc dùng để điều trị ho mạn tính có thể bao gồm:

    • Thuốc kháng histamin, glucocorticoid và thuốc thông mũi. Đây là những thuốc cơ bản để điều trị dị ứng và chảy nước mũi cửa sau.

    • Thuốc điều trị hen dạng hít. Các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho ho liên quan đến hen suyễn là glucocorticoid và thuốc giãn phế quản. Chúng giúp giảm viêm và giãn đường hô hấp (phế quản).

    • Thuốc kháng sinh. Nếu nhiễm khuẩn gây ho mãn tính, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh.

    • Thuốc kháng tiết acid. Trước hết bạn cần thay đổi lối sống, chế độ ăn để cải thiện tình trạng trào ngược acid. Nếu tình trạng bệnh vẫn không ổn, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng tiết acid. Một số người cần phẫu thuật để giải quyết triệt để nguyên nhân.

    • Thuốc giảm ho. Nếu không thể xác định được nguyên nhân gây ra ho, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc giảm ho để giảm khó chịu. Tuy vậy, bạn cần phải lưu ý các tác dụng phụ thuốc, hay tình trạng quá liều ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Ngoài ra, ở trẻ dưới 12, bạn cũng nên hạn chế lạm dụng thuốc giảm ho.

    ho-man-tinh-4

    Các loại thuốc có thể giúp làm giảm triệu chứng ho của bạn.

    9. Chế độ điều trị chăm sóc tại nhà

    Tuân thủ theo chế độ điều trị của bác sĩ. Trong thời gian chờ đợi hiệu quả điều trị, bạn cũng có thể thử các mẹo sau để giảm ho:

    • Uống nhiều nước: Nước giúp làm loãng dịch nhầy ở họng. Các loại nước ấm như nước canh, trà hoặc nước trái cây, có thể làm dịu cổ họng của bạn.

    • Ngậm thuốc ho hoặc kẹo cứng: Chúng có thể giảm ho khan và làm giảm kích thích họng.

    • Cân nhắc việc ngậm mật ong. Một muỗng mật ong có thể giúp giảm ho đáng kể. Tuy vậy, bạn không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ngậm mật ong. Vì mật ong có thể chứa một số loại vi khuẩn có hại sức khỏe trẻ.

    • Giữ ẩm cho không khí: Sử dụng máy tạo ẩm.

    • Tránh khói thuốc lá : Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá gây kích ứng phổi và đường hô hấp và có thể làm trầm trọng thêm ho do các nguyên nhân khác gây ra

    Ho mạn tính là một triệu chứng có thể gặp ở người bất kì độ tuổi nào. Ho mạn tính thường không gây nên biến chứng nguy hiểm nhưng làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Nó bao gồm công việc, học tập và giấc ngủ. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên ho mạn tính. Do đó, khi bạn nhận thấy bản thân có tình trạng ho kéo dài quá 8 tuần (người lớn) hoặc 4 tuần (ở trẻ em), bạn hoặc con bạn nên đến bác sĩ ngay nhé. Tùy vào tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân, đề nghị một số xét nghiệm cần làm và đưa hướng điều trị hiệu quả nhất.

                                                                                                                                                                       Bác sĩ Vũ Thành Đô

      Bài viết liên quan