• THUAN VIET PHARMA

    Viêm ruột thừa cấp : Các biến chứng nguy hiểm và cách điều trị

  • Thứ hai, 09:03 Ngày 28/09/2020
  • 1. Viêm ruột thừa cấp là gì?

    Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính của ruột th

    Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa có thể là nguyên nhân gây viêm. Lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng do tắc nghẽn khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ.

    Nếu không được chữa trị kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ. Nó làm mủ lan tràn vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Trường hợp khác, khối viêm có thể bị giới hạn lại bởi các cơ quan quanh đó và hình thành các ổ áp xe.

    viêm ruột thừa cấp

    Tình trạng viêm cấp của ruột thừa.

    2. Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?

    Ruột thừa khi bị viêm cấp tính, thường vỡ mủ sau 24 giờ. Nó dao động từ 24-48 giờ. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, ruột thừa có thể vỡ mủ sau 12 giờ. Có trường hợp ruột thừa vỡ mủ sau 6 giờ kể từ lúc bệnh nhân khởi phát cơn đau. Trên thực tế lâm sàng, không thể đoán trước được khi nào thì ruột thừa sẽ vỡ mủ.

    Nếu để chậm, bệnh sẽ diễn biến theo nhiều cách mà không thể đoán trước được các diễn biến của nó. Các biến chứng đó là viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa hay đám quánh ruột thừa… Các biến chứng do viêm ruột thừa không được điều trị đúng mang lại rất nhiều rắc rối. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong khoảng từ 0,2-0,8%).

    Viêm phúc mạc

    Phúc mạc là một màng thanh mạc lớn nhất trong cơ thể. Nó bao bọc tất cả các cơ quan trong ổ bụng và hố chậu. Phúc mạc lót mặt trong thành bụng, mặt dưới cơ hoành và mặt trên hoành chậu hông. 

    Viêm phúc mạc là tình trạng xảy ra khi phúc mạc bị viêm.

    Trong trường hợp viêm ruột thừa cấp, khi ruột thừa vỡ, dịch tiêu hóa và dịch viêm sẽ tràn khắp ổ bụng và gây ra viêm phúc mạc. Trên lâm sàng, có thể quan sát thấy dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân tiến triển nghiêm trọng. Về các triệu chứng tại chỗ, bệnh nhân có biểu hiện đau khắp ổ bụng. Ngoài ra còn tiêu khó, trung tiện khó, chướng bụng do liệt ruột, phản ứng ở thành bụng lan rộng ra khắp ổ bụng.

    Để giải quyết tình trạng viêm phúc mạc ruột thừa, phương pháp duy nhất là phẫu thuật. Nếu không điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến liệt ruột, hoại tử ruột, nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong.

    "<yoastmark

    Viêm phúc mạc xảy ra khi ruột thừa vỡ vào ổ bụng.

    Áp xe ruột thừa

    Viêm ruột thừa cấp dẫn đến ruột thừa bị vỡ. Nếu được mạc nối, các quai ruột bao bọc xung quanh thành khối. Các cấu trúc này trở thành hàng rào khu trú vùng viêm, không cho lan ra ổ bụng.

    Trên lâm sàng, thể hiện dấu hiệu bệnh nhân vẫn bị đau hố chậu phải và sốt cao. Khi thăm khám hố chậu phải, có thể quan sát thấy một khối. Khối này không di động, mặt nhẵn, ấn vào người bệnh có cảm giác căng đau. Tiến hành xét nghiệm, thấy số lượng bạch cầu tăng cao.

    Áp xe ruột thừa có khả năng vỡ vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc thì hai. Tùy vào kích thước và bản chất khối áp xe mà bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định có can thiệp phẫu thuật hay không. Nếu không phẫu thuật, họ có thể cho điều trị nội khoa với kháng sinh. Sau đó, lên chương trình mổ cắt ruột thừa sau 6-12 tuần.

    Đám quánh ruột thừa

    Đây là biến chứng viêm ruột thừa cấp xảy ra trong trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng tốt. Các quai ruột và mạc nối có khả năng đến bao bọc kín ruột thừa, ngăn cản sự tiến triển lan rộng.

    Triệu chứng lâm sàng là cơn đau và sốt giảm. Hố chậu phải xuất hiện khối chắc, không di động. Ấn đau nhẹ, không có phản ứng ở thành bụng. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy lượng bạch cầu giảm dần trở lại bình thường.

    Đám quánh ruột thừa có nguy cơ tiến triển theo hai hướng. Nó hoặc tan dần hoặc tạo thành áp xe ruột thừa.

    Nhiễm khuẩn huyết

    Diễn tiến tiếp theo của viêm phúc mạc nếu không được điều trị kịp thời đó là hoại tử ruột, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Khi bị nhiễm khuẩn huyết, lượng lớn các hóa chất, chất độc được tiết vào máu, dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng.

    Cơ chế đông máu trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến chân tay và các cơ quan nội tạng. Điều này dẫn đến việc cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy.

    Nhiễm khuẩn huyết đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều này dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu, hô hấp, suy gan thận và các tạng khác.

    Ở trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra chứng tụt huyết áp. Hiện tượng này là “Sốc nhiễm trùng”. Nó có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng một số bộ phận như phổi, thận và gan. Giai đoạn này bệnh trở nên rất nặng. Có những trường hợp được điều trị tích cực, kháng sinh phù hợp nhưng bệnh nhân vẫn tử vong do sốc nhiễm trùng.

    Nhiễm khuẩn huyết nặng có thể chuyển sang sốc nhiễm trùng và khiến bệnh nhân tử vong.

    3. Điều trị bệnh như thế nào?

    Viêm ruột thừa cấp có phải mổ không?

    Tính đến hiện tại: Điều trị tiêu chuẩn vàng là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

    Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

    Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể là phẫu thuật hở thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng 5-10cm (mổ mở). Hoặc phẫu thuật thông qua một vài lỗ nhỏ ở bụng (mổ nội soi).

    Phương pháp mổ nội soi

    Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ đưa vào ổ bụng bệnh nhân một camera video hình ảnh và những thiết bị chuyên dùng cho việc cắt ruột thừa.

    Thông thường, phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Vết thương ít đau và ít để lại sẹo.

    Phương pháp này là lựa chọn tốt cho hầu hết bệnh nhân nếu không có chống chỉ định của phẫu thuật nội soi. Các chống chỉ định như: bệnh lý nền nặng, các vấn đề chống chỉ định tăng áp lực ổ bụng,…

    Thông thường với các trường hợp viêm không biến chứng được phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Bệnh nhân thường chỉ nằm viện 1-2 ngày tùy vào sự hồi phục của bệnh nhân. Các trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây viêm phúc mạc, bệnh nhân thường nằm viện lâu hơn khoảng 5 ngày.

    Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa là phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi hiện nay.

    Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa là phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi hiện nay.

    Phương pháp mổ hở

    Trong những trường hợp ruột thừa nằm ở vị trí bất thường, hoặc có biến chứng. Việc tiếp tục phẫu thuật nội soi không thể thực hiện được hoặc có thể không an toàn.

    Hoặc trong những trường hợp mà ruột bị viêm, quá chướng hơi. Hoặc ổ bụng quá bẩn không thể làm sạch bằng phẫu thuật nội soi thì lựa chọn tốt hơn là nên chuyển mổ mở.

    Việc chuyển phương pháp từ mổ nội soi sang mổ hở không phải là sự thất bại của mổ nội soi. Đây là một phán quyết dựa trên sự an toàn cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị.

    Điều trị không phẫu thuật

    Có thế điều trị viêm ruột thừa mà không cần mổ hay không?

    Câu trả lời là , trong một số trường hợp đặc biệt.

    Theo một số nghiên cứu, những trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị với kháng sinh tỷ lệ thành công hơn 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau điều trị bảo tồn không mổ sau 1 năm là khá cao hơn 30%. Do đó cho đến nay phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa vẫn là tiêu chuẩn vàng.

    Với những trường hợp có biến chứng vỡ gây áp xe ruột thừa, bệnh nhân sẽ được điều trị với chọc dẫn lưu áp xe dưới siêu âm và phối hợp với kháng sinh điều trị. Sau đó, có thể lên chương trình phẫu thuật cắt ruột thừa sau 6-12 tuần khi bệnh nhân ổn định.

    Những trường hợp tình trạng bệnh nhân không đảm bảo cho phẫu thuật. Nó bao gồm như: bệnh nhân rối loạn đông máu nặng, bệnh nhân có bệnh nội khoa kèm rất nặng. Họ có thể không chịu đựng được cuộc phẫu thuật, có thể cân nhắc áp dụng điều trị bảo tồn với kháng sinh.

    Điều trị kháng sinh không phẫu thuật chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

    Điều trị kháng sinh không phẫu thuật chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

    Biến chứng sau phẫu thuật cắt ruột thừa

    Tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật cắt ruột từ nói chung là từ 4-15%.

    Những biến chứng có thể gặp đó là: chảy máu vết mổ hoặc ổ bụng, nhiễm trùng vết mổ hoặc ổ bụng. Sau mổ có thể có dịch áp xe tồn lưu, tổn thương tạng rỗng, dính ruột sau mổ. Các biến chứng liên quan đến gây mê hồi sức như thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi,… cũng có thể gặp phải.

    Tỷ lệ biến chứng còn tùy thuộc vào ruột thừa viêm có biến chứng hay chưa, phương pháp phẫu thuật, các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân. Ví dụ: mổ nội soi tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ thấp hơn mổ mở. Tỷ lệ dịch áp xe tồn lưu, dính ruột sau mổ ở bệnh nhân có biến chứng sẽ cao hơn viêm ruột thừa đến sớm không biến chứng.

    • Tỷ lệ 2-4% các trường hợp phẫu thuật cắt ruột thừa có nhiễm trùng. Có thể là nhiễm trùng vết mổ hoặc hình thành áp xe trong ổ bụng.

    • Thuyên tắc tĩnh mạch, thuyên tắc phổi, vấn đề tim mạch, khó thở, vết thương hồi phục kém,… thường gặp ở người hút thuốc, béo phì, mắc bệnh tiểu đường, suy tim, suy thận, bệnh phổi,…

    Viêm ruột thừa cấp, căn bệnh tưởng như đơn giản nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hy vọng qua bài viết này, Youmed đã giúp bạn có được những hiểu biết cơ bản về tình trạng viêm ruột thừa và các phương pháp điều trị hiện nay. Hãy cùng Youmed tìm hiểu các bài viết khác về ruột thừa, bạn nhé!

                                                                                                                                                     Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa

      Bài viết liên quan