Vì sao bệnh nhân hen không được dùng aspirin?
Việc dùng một số thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh hen cho những người có nguy cơ cao hoặc làm khởi phát cơn hen ở người bệnh hen, đồng thời khiến cơn hen trầm trọng hơn. Aspirin và các thuốc cùng nhóm chống viêm giảm đau không steroid (như piroxicam, ketoprofen, ibuprofen, indomethacin...) là thuốc có khuyến cáo bệnh nhân hen không nên dùng.
Thăm khám cho bệnh nhân mắc hen tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai. Ảnh: TM
Tác dụng ngoại ý của aspirin là có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen nặng. Đặc biệt là ở những người bệnh hen có mắc viêm xoang và polyp cuốn mũi, các cơn hen nặng sẽ rõ rệt hơn. Đồng thời, aspirin có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen cho một số trường hợp không có bệnh hen trước đó có thể xuất hiện các triệu chứng của hen sau khi dùng thuốc.
Cơ chế đặc ứng gây hen của aspirin liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có liên quan tới mất cân bằng chuyển hóa acid arachidonic, tăng giải phóng các chất trung gian từ dưỡng bào (mastocyte) phế quản, các chất trung gian tiền viêm, prostaglandin và leucotrien... Các phản ứng của người có bệnh hen với aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid có biểu hiện tương đối giống nhau, các cơn hen cấp thường xuất hiện khoảng 1 giờ sau uống thuốc, sau đó xuất hiện chảy nước mũi, đỏ mắt và nổi ban đỏ ở đầu và cổ. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm, một liều duy nhất của các thuốc này có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở.
Vì vậy, những bệnh nhân hen có nhạy cảm với aspirin nên cố gắng tránh dùng aspirin cũng như những sản phẩm có aspirin và những loại thuốc cùng nhóm chống viêm giảm đau không steroid (ibuprofen, piroxicam, ketoprofen...).
Bạn nên đi khám để tham khảo ý kiến bác sĩ về các thuốc không nên dùng, tránh để tình trạng bệnh hen diễn biến nặng hơn.
Nguồn: suckhoedoisong.vn