Tin sức khỏe - đời sống
Tiêu chảy cấp : Bạn nên dùng thuốc nào ?
1. Thuốc chống nôn ói
Như đã biết, một đợt bệnh tiêu chảy cấp điển hình sẽ bắt đầu bằng việc bé yêu nhợn ói và ói nhiều. Ở lứa tuổi càng nhỏ các triệu chứng diễn ra một cách ồ ạt và đột ngột. Điều này có thể làm cho ba mẹ hoảng sợ rất nhiều. Bé ói, không ăn được như vậy suy kiệt, ảnh hưởng đến dạ dày vì không có thức ăn trong bụng…. Không những vậy, ói nhiều có thể gây hạ đường huyết và rối loạn điện giải. Sao bé ói nhiều mà đi khám bác sĩ chỉ dặn cho ăn uống chậm lại mà không cho bé thuốc chống ói?
Sử dụng bất kì thuốc nào cũng sẽ có một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy, chăm sóc ban đầu tại nhà đối với trẻ bị tiêu chảy cấp có nôn ói vẫn luôn luôn là cho trẻ ăn uống chậm lại với lượng ít và thường xuyên. Nếu trẻ vẫn không cải thiện triệu chứng nôn thì cần phải đi khám bác sĩ để được đánh giá mức độ bệnh, biến chứng của bệnh, loại trừ những bệnh khác có cùng triệu chứng để quyết định có sử dụng thuốc hay không.
Trước đây một số thuốc chống nôn khác như Metochlopramide, domperidon, anti-histamine, dexamethasone thường được sử dụng và được chấp nhận tại một số quốc gia như Ý, Pháp, Tây Ban Nha. Hiện nay, chúng không còn được khuyến cáo trong điều trị nôn do tiêu chảy cấp ở trẻ em. Lí do là tác dụng phụ của thuốc lên tim mạch, hệ thần kinh và các hệ cơ quan khác nhiều hơn là tác dụng chính chống nôn.
Tiêu chảy cấp là một bệnh rất dễ lây lan đặc biệt qua đường tiêu hóa thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn và có thể gây thành dịch lớn, nhất là những khu vực dân cư đông đúc. Đối tượng mắc bệnh thường gặp nhất là trẻ em ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Chăm sóc cho người bị tiêu chảy cấp cần đặc biệt lưu ý bù nước và chất điện giải kịp thời.
2. Thuốc tiêu chảy
Ngoài nôn thì tiêu lỏng nhiều cũng là một việc gây lo lắng. Vì vậy suy nghĩ chung của phụ huynh là muốn cho con uống thuốc nào để cầm tiêu chảy càng nhanh càng tốt. Khi trẻ đã giảm tiêu lỏng, phân đặc hơn thì tâm lý của ba mẹ bớt nặng nề hơn vì nghĩ con đã sắp hết bệnh rồi. Nhưng sự thật có phải như vậy không?
-
Thuốc giảm nhu động ruột : tên thị trường là Imodium. Đây là thuốc CẤM DÙNG ở trẻ em. Thuốc làm giảm nhu động ruột nên giảm số lần đi tiêu một cách rõ ràng và nhanh chóng. Khi chưa hết bệnh, lòng ruột vẫn thải ra phân lỏng. Thay vì thải phân ra ngoài, thì thuốc này làm cho phân chứa các virus, vi khuẩn và độc tố nằm lại trong lòng ruột. Điều gây chướng bụng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc; thậm chí là hoại tử ruột.
-
Smecta (Diosmecite): Một số nghiên cứu mới đây cho thấy Smecta có thể rút ngắn thời gian tiêu chảy.
-
Thuốc kháng tiết: giúp giảm tiết dịch trong lòng ruột, làm đặc phân.
-
Hidrasec (Racecadotril): làm giảm thời gian tiêu lỏng, giảm nguy cơ truyền dịch.
-
Kẽm: giảm tiết dịch từ lòng ruột giúp làm đặc phân, hỗ trợ tái tạo niêm mạc đường ruột, có thể tăng sức đề kháng, giảm thời gian tiêu chảy và giảm được nguy cơ tiêu chảy kéo dài trên 7 ngày. Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo bổ sung kẽm trong vòng 10 – 14 ngày cho trẻ bệnh.
3. Oresol
Là dung dịch điện giải dùng trong bù nước bằng đường uống, tuy nhiên ORS không phải là tốt trong mọi trường hợp. Ở những trẻ tiêu chảy ít, ở trẻ nhỏ, sử dụng ORS nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ vì ORS có thể là khó uống ở một số trẻ, dễ làm trẻ nôn, hoặc có thể làm trẻ giảm bú sữa
4. Probiotics : men vi sinh
Probiotics là các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng cách kìm hãm sự tăng sinh của các loại vi sinh vật xấu. Các nghiên cứu cho thấy rằng probiotics có thể làm giảm thời gian tiêu chảy khoảng 1 ngày ở bệnh nhân.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại men vi sinh khác nhau, nhưng không phải loại nào cũng có tác dụng cho bệnh tiêu chảy. Hai loại probiotics được khuyến cáo sử dụng hiện nay là Lactobacillus rhamnosus GG và Saccharomyces boulardii.
5. Kháng sinh
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp là do virus gây ra nên không cần điều trị kháng sinh ở những trường hợp này.
Một phần nhỏ các trẻ bị tiêu chảy cấp do vi trùng. Thông thường, nhiễm trùng cần được điều trị với kháng sinh, nhưng điều này không hoàn toàn đúng trong tiêu chảy cấp. Ở các trường hợp tiêu chảy cấp nhẹ do vi trùng, trẻ vẫn có thể khỏi bệnh trong vài ngày nhờ vi khuẩn gây bệnh được loại bỏ theo phân dù không điều trị kháng sinh.
Như vậy, ở đa số các trường hợp, chăm sóc ban đầu hợp lý nhất là hỗ trợ triệu chứng cho trẻ mà không phải là dùng thuốc để ngăn triệu chứng. Bệnh thường diễn tiến ồ ạt nên bạn cần cho bé yêu đến khám bác sĩ để nhận được sự tư vấn chăm sóc trẻ cũng như kê các toa thuốc với liều lượng và thời gian phù hợp, sớm phát hiện các biến chứng của bệnh.
Bác sĩ : Phạm Thị Mỹ Anh