Dược liệu
Rau má: Công dụng của loài cây quen thuộc
1. Đặc điểm của Rau má
Rau má (Herba Centellae asiaticae) còn gọi là tích tuyết thảo, họ Hoa tán (Apiaceae).
Đây là một loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu, thân gầy, nhẵn. Lá có cuống dài, phiến lá khía tai bèo tròn, gốc lá hình tim. Cụm hoa đơn mọc ở kẽ lá, gồm 1 đến 5 hoa nhỏ. Quả dẹt.
2. Phân bố, thu hái, chế biến
Ở nước ta, cây mọc tự nhiên khắp nơi, từ vùng hải đảo, ven biển đến vùng núi. Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, mọc thành đám ở vườn, bãi sông suối, nương rẫy, bờ ruộng và ven rừng.
Nguồn rau má tự nhiên dồi dào nhưng chỉ mới được khai thác dùng tại chỗ, chưa trở thành mặt hàng thương mại hóa.
Bộ phận dùng: Toàn cây, thường được dùng tươi hoặc có thể phơi sấy khô. Thu hái quanh năm.
3. Thành phần hóa học của rau má
Nhóm hợp chất có hoạt tính sinh học nổi bật nhất trong rau má là nhóm Terpene. Trong đó, Asiaticoside là một triterpene glycoside chiếm hàm lượng nhiều nhất. Người ta cho rằng, trong cơ thể Asiaticoside thủy phân thành đường và Asiatic Acid – sản phẩm trao đổi chất chịu trách nhiệm trong việc chữa bệnh.
Asiaticoside có khả năng kháng khuẩn và hoạt tính diệt nấm chống lại được mầm bệnh và nấm.
Ngoài ra, trong rau má còn có 1 lượng nhỏ tinh dầu, cũng có khả năng kháng khuẩn.
4. Tác dụng dược lý
4.1. Công dụng kháng khuẩn
Hoạt chất asiaticoside đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị bệnh phong, do làm tan bao bằng chất giống sáp của trực khuẩn phong, làm cho nó trở nên mỏng manh và dễ bị phá hủy.
Nước rau má sắc có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu khuẩn vàng.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu còn cho thấy, dịch chiết rau má có khả năng ức chế một số vi sinh vật gây bệnh trên da như vi khuẩn P. acnes, S. aureus, S. epidermidis, vi nấm C. Albicans.
4.2. Kích thích tái tổ chức tế bào
Thuốc mỡ rau má có tác dụng kích thích tái tạo tổ chức tế bào và điều chỉnh quá trình lên sẹo của vết thương do gây bỏng thực nghiệm. Tại vết bỏng sẽ phát triển tổ chức hạt, lên da non và liền sẹo tốt.
Đối với vết thương do loét, viêm mô tế bào, rau má cũng có tác dụng kích thích sự tổng hợp colagen I và fibronectin, góp phần làm lành vết thương.
4.3. Tác dụng lên hệ thần kinh, mạch máu
Dịch chiết rau má có hoạt tính chống co thắt, hạ sốt, ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần và hạ áp.
Rau má có tác dụng gây ngủ, giảm đau trung gian qua các thụ thể đáp ứng với thuốc phiện. Cao cồn ethylic có hoạt tính chống stress, trong đó có stress gây ra loét dạ dày ở vật thí nghiệm.
Đối với mạch máu, rau má có thể tăng cường sức bền thành mạch.
4.4. Độc tính
Rau má khá lành tính. Chỉ độc khi dùng liều rất lớn, hoặc liều thời gian dài. Nó có thể gây mệt, nhức đầu, chóng mặt, đôi khi là hôn mê.
5. Công dụng rau má theo Y học cổ truyền
Rau má có vị hơi đắng, ngọt, tính hơi mát.
Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chữa sốt; chữa rôm sảy, mẩn ngứa, bệnh về gan, viêm họng, lợi sữa.
6. Công dụng rau má theo Y học hiện đại
Y học hiện đại sử dụng rau má và Saponin toàn phần trong Rau má để điều trị bỏng độ II và III, vết thương và các tổn thương ngoài da.
Nó cùng được dùng để ngăn ngừa sự sừng hóa tạo sẹo lồi.
Dịch chiết được dùng ngoài để tăng cường sự lành vết thương, đặc biệt trong hậu sang thương hay hậu phẫu.
Sử dụng đường uống Rau má có tác dụng điều trị loét dạ dày – tá tràng do stress.
Các sản phẩm của Rau má còn được dùng trong bệnh tĩnh mạch mạn tính.
Ngoài ra, Rau má con được sử dụng trong điều trị các vết loét do bệnh phong, eczema, các rối loạn tĩnh mạch. Rau má cũng có tác dụng giảm viêm ứ ở bệnh nhân xơ gan.
7. Bài thuốc theo kinh nghiệm
Đơn giản nhất là mỗi ngày dùng 30 – 40g cây tươi, vò nát, sắc lấy nước uống hoặc phơi khô sắc uống, có tác dụng thanh nhiệt, trị mụn nhọt, mát gan.
Ngoài ra, rau má còn được sử dụng trong những bài thuốc sau:
7.1. Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng
Rau má 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn, ý dĩ, hà thủ ô, huyết dụ, kê huyết đằng, cam thảo dây, đỗ đen sao, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang. Bạn cũng có thể xem thêm Chè dây: Dược liệu quý trị Viêm loét dạ dày.
7.2. Đau bụng, ỉa lỏng, đi lỵ
Rau má (cả dây, cả lá) rửa sạch, thêm ít muối, nhai sống. Ngày ăn chừng 30 – 40g ( Kinh nghiệm nhân dân nhiều nơi). Có thể luộc rau má mà ăn như rau.
7.3. Chữa phụ nữ kinh nguyệt đau bụng, đau lưng
Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô tán nhỏ. Ngày uống một lần, vào buổi sáng, mỗi lần hai thìa cà phê gạt ngang.
7.4. Chữa rôm sảy, mẩn ngứa
Hàng ngày ăn rau má trộn dầu dấm. Hoặc rau má hái về giã nát, vắt lấy nước, thêm đường mà uống hằng ngày.
Rau má được sử dụng rất phổ biến và rộng rãi trong cuộc sống. Nó là một loại thực phẩm và cũng là thảo dược. Vì vậy, khi sử dụng rau má chữa bệnh, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chế biến cũng như liều lượng cần dùng. Youmed sẵn sàng hỗ trợ bạn!