• THUAN VIET PHARMA

    Những điều cần biết về thuốc kháng sinh Erythromycin

  • Thứ hai, 09:17 Ngày 05/10/2020
  • 1. Thuốc Erythromycin là gì?

    thuốc kháng sinh Erythromycin

    Thuốc kháng sinh Erythromycin

    Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid. Đây là thuốc có phổ tác dụng rộng nghĩa là tác động lên được nhiều chủng vi khuẩn. Tuy nhiên, chủ yếu là kìm khuẩn đối với nhiều vi khuẩn Gram (+) và phổ hẹp hơn với Gram (-). Trong đó,

    • Erythromycin hoạt động bằng cách gắn thuận nghịch với tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn nhạy cảm. Từ đó dẫn đến ức chế tổng hợp protein và từ đó ức chế tế bào vi khuẩn phát triển.

    • Tác dụng chính của kháng sinh này là kìm khuẩn nhưng có thể diệt
      khuẩn ở nồng độ cao đối với các chủng rất nhạy cảm. 

    Các dạng bào chế của thuốc có thể là: viên nén, dạng gel, dung dịch,…

    2. Chỉ định của thuốc Erythromycin

    • Điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn như viêm ruột do Campylobacter, hạ cam, bạch hầu,..

    • Dùng thuốc trên các tình trạng viêm như viêm tai giữa cấp tính, viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và các nhiễm khuẩn do Legionella, viêm kết mạc trẻ sơ sinh và viêm kết mạc do Chlamydia, ho gà, viêm phổi (do Mycoplasma, Chlamydia, các loại viêm phổi không điển hình và cả do Streptococcus),

    • Ngoài ra, còn dùng thuốc nếu bị nhiễm khuẩn da và ảnh hưởng đến cấu trúc trên da; mụn trứng cá. Lưu ý dạng uống và dùng tại chỗ của erythromycin đều được dùng điều trị mụn trứng cá và trứng cá đỏ.

    • Nếu mắc bệnh viêm xoang; viêm vùng chậu thường sẽ phối hợp với neomycin để phòng nhiễm khuẩn khi tiến hành phẫu thuật ruột.

    • Không những vậy, có thể dùng erythromycin để thay thế tetracyclin trên đối tượng mang thai và trẻ nhỏ.

    • Trong phác đồ gồm nhiều thuốc để điều trị bệnh than đường tiêu hóa hoặc đường thở; phòng bệnh bạch hầu ở người bệnh mất miễn dịch hoặc tình trạng ho lâu ngày ở người bệnh giảm miễn dịch.

    3. Trường hợp không nên dùng thuốc Erythromycin 

    • Quá mẫn với erythromycin hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần nào khác có trong công thức.

    • Đã dùng erythromycin trước đây nhưng xuất hiện các rối loạn về gan.

    • Người bệnh đã bị bệnh vàng da hoặc đã từng bị điếc trước đây.

    • Bệnh nhân mắc rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp được đánh giá không an toàn khi sử dụng thuốc.

    • Đặc biệt trong trường hợp người bệnh có bệnh tim, loạn nhịp, nhịp tim chậm, khoảng QT kéo dài, tim thiếu máu cục bộ, hoặc người bệnh có rối loạn điện giải thì không dùng phối hợp với terfenadin.

    4. Hướng dẫn dùng thuốc Erythromycin 

    4.1. Cách dùng

    Với dạng viên nén bao phim hoặc viên nang giải phóng chậm hấp thu tốt thì có thể uống thuốc không quan tâm bụng đói bụng no.

    Tuy nhiên, viên nén hoặc nang giải phóng chậm có chứa hạt nhỏ bao tan trong ruột khi dùng cần lưu ý.

    • Để thuốc được hấp thu tốt nên uống sau bữa ăn ít nhất 30 phút và tốt hơn là nên uống trước hoặc sau bữa ăn 2 giờ.

    • Nên uống nguyên cả viên thuốc.

    • Không chia nhỏ hoặc nghiền viên.

    • Uống lúc bụng no để giảm kích ứng dạ dày nhưng không được uống với sữa hoặc đồ uống có tính acid.

    Ngoài ra, có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch với liều tương tự liều uống nếu người bệnh không thể uống thuốc.Có thể tiêm truyền liên tục hoặc nếu tiêm tĩnh mạch không liên tục thì thực hiện trong vòng 20-60 phút. 

    Dạng kem bôi: Ngoài dung dịch hoặc gel 2 – 4 % để điều trị trứng cá cũng có thể dùng chế phẩm kết hợp với benzoyl peroxid, ichthammol,
    tretinoin và kẽm acetat…

    4.2. Liều lượng

    Người lớn

    • Liều uống có thể được dùng
      + 250 mg x 4 lần/ ngày
      + Hoặc 333 mg x 3 lần/ ngày
      + Hoặc 500 mg x 2 lần ngày.

    • Đối với tình trạng nhiễm khuẩn nặng có thể tăng tới 4 g/ngày, chia làm nhiều lần. Lưu ý khi dùng liều >1g/ngày phải chia đều liều uống ≥3 lần.

    • Viêm mắt ở trẻ em và người lớn
      + Bôi thuốc lên vị trí mắt bị viêm (khoảng 1,25 cm)
      + Dùng thuốc từ 2 – 6 lần/ngày.

    • Bôi tại chỗ
      + Mụn trứng cá: Bôi vào diện tích da bị tổn thương 2 lần/ngày
      + Lưu ý, chỉ bôi thuốc sau khi đã rửa sạch và lau khô nhẹ.

    Trẻ em

    • Liều thường dùng khoảng 30 – 50 mg/kg/ngày, chia 2 – 4 lần.
      + Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, có thể tăng liều lên gấp đôi, nhưng ≤4 g/ngày.
      + Lưu ý khi dùng liều >1g/ngày phải chia đều ít nhất 3 lần/ ngày.

    • Đánh giá liều theo tuổi
      + Từ 1 tháng – < 2 tuổi: 125 mg x 4 lần ngày;
      + Từ 2 – 8 tuổi dùng 250 mg x 4 lần/ ngày.
      + Trẻ >8 tuổi dùng 250 mg – 500 mg x 4 lần/ ngày hoặc dùng liều như người lớn bình thường.

    • Tăng liều gấp đôi với nhiễm khuẩn nặng.

    Trên đây, liều được trình bày chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, độ tuổi cũng như các bệnh kèm theo sẽ được bác sĩ chỉ định liều. Hãy dùng chính xác liều mà bác sĩ đã chỉ định.

    5. Tác dụng phụ có thể xảy ra

    Thuốc kháng sinh Erythromycin

    • Các tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, chán ăn, khó tiêu..là phổ biến nhất. Tác dụng phụ này thường liên quan đến liều và xuất hiện nhiều ở người trẻ h> người cao tuổi.

    • Kéo dài thời gian QT, gây loạn nhịp thất và rối loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh).

    • Gây ra các cơn động kinh.

    • Nổi ban, gây ngứa trên da.

    • Chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ em, viêm đại tràng màng giả, viêm tụy.

    • Xuất hiện tình trạng vàng da ứ mật, viêm gan, xét nghiệm chức năng gan bất thường.

    • Viêm tĩnh mạch và đau ở chỗ tiêm;

    • Tình trạng yếu cơ.

    • Phản ứng dị ứng, quá mẫn, tăng huyết áp, mày đay.

    • Điếc nhưng có hồi phục.

    • Với dạng dùng tại chỗ gây ngứa, ban đỏ, khô da, tróc vảy.

    6. Tương tác thuốc khi dùng chung Erythromycin

    • Carbamazepin, cyclosporin, hexobarbital, phenytoin, alfentanil, disopyramid, lovastatin và bromocriptin.

    • Fluconazol, ketoconazol, itaconazol.

    • Diltiazem, Verapamil.

    • Cisaprid, dabigatran, etexilat, disopyramid, các kháng sinh nhóm lincosamid, nilotinib, pimozid, silodosin, tetrabenazin, thioridazin, topolecan, ziprasidon. 

    • Chống chỉ định dùng phối hợp astemizol hoặc terfenadin vì nguy cơ độc với tim như xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất và tử vong.

    • Quinidin.

    • Lorvastatin.

    7. Lưu ý khi dùng thuốc

    • Đối với bệnh nhân đang mắc bệnh gan hoặc suy gan: rất thận trọng khi sử dụng các dạng erythromycin, nhất là phải tránh dạng estolat. Dùng nhiều lần estolat hay dùng >10 ngày sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.

    • Suy thận nặng: cần giảm liều estolat. Nên kiểm tra theo dõi chức năng thận khi dùng thuốc. Thận trọng khi dùng dạng lactobionat, phải giảm liều đặc biệt với người bệnh có biểu hiện ngộ độc.

    • Người bệnh loạn nhịp tim hoặc có các bệnh khác về tim: thật thận trọng khi dùng. Trong trường hợp này, các tương tác thuốc xảy ra có thể gây tác dụng phụ chết người.

    • Thuốc có thể làm yếu cơ nặng thêm đối với người bệnh bị chứng nhược cơ năng.

    • Cần sử dụng thận trọng với người cao tuổi do nguy cơ về tác dụng phụ tăng.

    • Viêm ruột kết màng giả: dùng dài ngày có thể dẫn tới bội nhiễm nấm và vi khuẩn, đặc biệt nhiễm C. difficile gây tiêu chảy và viêm kết tràng.

    • Chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ em có thể có liên quan đến dùng macrolid trong đó có erythromycin trong thời kỳ cho con bú khi mẹ dùng macrolid .

    • Dung dịch tiêm có chứa alcol benzylic làm chất bảo quản gây độc cho hệ thần kinh. Do đó, không nên dùng cho đối tượng là trẻ em.

    8. Đối tượng đặc biệt sử dụng thuốc

    8.1. Phụ nữ mang thai

    • Thuốc đi qua nhau thai.

    • Mặc dù vẫn chưa có các bằng chứng về ngộ độc trên thai và/ hoặc gây quái thai trong các nghiên cứu trên động vật. Nhưng đồng thời vẫn chưa có các nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm tra chặt chẽ đánh giá về việc dùng erythromycin cho người mang thai hoặc khi sinh con.

    • Do đó, không dùng thuốc cho người mang thai. Trừ trường hợp không còn liệu pháp nào thay thế và đặc biệt phải theo dõi thật cẩn thận.

    • Không dùng erythromycin dạng estolat do làm tăng nguy cơ độc với gan và tăng tác dụng phụ đối với người mẹ và bào thai.

    8.2. Phụ nữ cho con bú

    • Erythromycin tiết vào sữa mẹ.

    • Do đó, cần dùng thuốc thật thận trọng trên đối tượng là phụ nữ đang cho con bú này.

    9. Xử trí khi quá liều Erythromycin

    Thuốc kháng sinh Erythromycin

    Thuốc kháng sinh Erythromycin

    • Xuất hiện phản ứng dị ứng khi quá liều: dùng epinephrin, corticosteroid và thuốc kháng histamin để xử trí.

    • Ngoài ra, thực hiện biện pháp thụt rửa dạ dày để loại trừ thuốc chưa hấp thu ra khỏi cơ thể.

    • Không những vậy, nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

    10. Xử trí khi quên một liều Erythromycin

    • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.

    • Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.

    • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

    11. Cách bảo quản thuốc

    • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.

    • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.

    • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 15 – 30 ºC.

    • Thông tin hạn dùng được trình bày đầy đủ trên bao bì sản phẩm. Do đó, hãy kiểm tra cẩn thận thông tin và không nên dùng nếu thuốc đã hết hạn.

    Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc erythromycin. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!

                                                                                                                                        Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên

      Bài viết liên quan