• THUAN VIET PHARMA

    Những điều cần biết về kháng sinh Clindamycin

  • Thứ bảy, 15:01 Ngày 05/09/2020
  • 1. Thuốc Clindamycin là gì?

    Clindamycin là một kháng sinh thuộc nhóm Lincosamid. Thuốc có thể được dùng dưới dạng  hydroclorid hydrat, palmitat hydroclorid và phosphat ester.

    Liều và hàm lượng thuốc được biểu thị dưới dạng clindamycin. Cụ thể 1 mg clindamycin tương ứng với:

    • 1,1 g clindamycin hydroclorid.

    • 1,6 g clindamycin palmitat hydroclorid.

    • 1,2 g clindamycin phosphat.

    clindamycin-01

    Các dạng bào chế của thuốc tùy vào từng dạng clindamycin, bao gồm:

    • Viên nang (hydroclorid) với các hàm lượng 75 mg, 150 mg và 300 mg,

    • Cốm pha dung dịch uống (palmitat hydroclorid): 75 mg/5 ml,

    • Dạng tiêm (phosphat) với các hàm lượng 150 mg/ml, 300 mg/2 ml, 600 mg/4 ml hoặc 900 mg/6 ml.

    • Dùng tại chỗ: Kem bôi (phosphat) 1%, 2%; miếng gạc bão hòa dung dịch 1%, dung dịch 1%.

    • Viên đạn, nang đặt âm đạo: hàm lượng 100 mg.

    2. Chỉ định của thuốc Clindamycin

    • Điều trị các nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt do Bacteroides fragilis.

    • Ngoài ra, thuốc cũng được dùng điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn Gram (+) như Streptococci, Staphylococci (kể cả chủng đã kháng meticilin) và Pneumococci.

    • Bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm: tai mũi họng do S. pneumoniae kháng penicilin, viêm phế quản phổi, răng hàm mặt, da, trứng cá, sinh dục,..

    • Điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn trong ổ bụng như viêm phúc mạc và áp xe trong ổ bụng, nhiễm khuẩn vết thương mưng mủ.

    • Sốt sản (đường sinh dục), nhiễm khuẩn nặng vùng chậu hông và đường sinh dục nữ như: Viêm màng trong tử cung, áp xe vòi trứng không do lậu cầu, viêm tế bào chậu hông,..

    • Ngoài ra, thuốc dùng dự phòng viêm màng trong tim nhiễm khuẩn khi làm thủ thuật ở răng, đường hô hấp trong trường hợp dị ứng với beta-lactam.

    • Không những vậy, thuốc dùng tại chỗ điều trị mụn trứng cá và trứng cá đỏ. 

    3. Trường hợp không nên dùng thuốc Clindamycin

    • Người bệnh dị ứng với clindamycin, lincomycin hoặc dị ứng với bất kỳ
      thành phần nào khác có trong công thức của thuốc.

    • Lưu ý với các sản phẩm dùng tại chỗ và đường âm đạo ngoài các chống chỉ định trên, cần chống chỉ định cho người bệnh đã có viêm đại tràng giả mạc, viêm ruột non và viêm ruột kết mạn tính.

    • Ngoài ra, không sử dụng thuốc tiêm có chứa benzyl alcohol cho trẻ sơ sinh.

    4. Hướng dẫn dùng thuốc Clindamycin

    4.1 Cách dùng

    • Vì thuốc có thể uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, bôi trực tiếp hoặc đặt âm đạo.

    • Dạng hydroclorid hydrat, palmitat hydroclorid dùng cho đường uống; dạng phosphat được sử dụng cho đường tiêm.

    • Khi dùng đường uống: dạng viên hoặc dung dịch uống có thể cho dùng với thức ăn hoặc không. Nên cho uống với một cốc nước (nhiều nước) để tránh kích ứng.

    • Sử dụng đường âm đạo: thực hiện bôi kem trực tiếp vào sâu trong âm đạo, không gây khó chịu hoặc đặt viên đặt âm đạo và nên rửa sạch trước khi đặt lần tiếp theo.

    • Dạng kem: Cho trực tiếp vào dụng cụ để bôi lên bề mặt, không dùng
      bằng tay.

    4.2 Liều dùng

    Thời gian điều trị với clindamycin tùy thuộc vào loại bệnh nhiễm khuẩn và mức độ nặng nhẹ của bệnh.

    Trong nhiễm khuẩn do Streptococcus beta tan máu nhóm A, điều trị clindamycin phải tiếp tục ≥ 10 ngày.

    Trong các nhiễm khuẩn nặng như viêm màng trong tim hoặc viêm xương tủy, phải điều trị ≥ 6 tuần.

    Đối tượng là trẻ em

    • Đường uống
      + 8 – 20 mg/ kg/ ngày dạng hydroclorid.
      + 8 – 25 mg/ kg/ ngày dạng palmitat, chia 3 – 4 lần (tối thiểu là 37,5 mg x 3 lần/ngày).

    • Tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch:
      + Nhỏ hơn 1 tháng tuổi: 15 – 20 mg/kg/ngày, chia 3 – 4 lần/ ngày.
      + Lớn hơn 1 tháng tuổi: 20 – 40 mg/kg/ngày, chia 3 – 4 lần/ ngày.

    Đối tượng là người lớn

    • Đường uống:
      + 150 – 450 mg x 3 – 4 lần/ ngày.
      + Liều tối đa: 1,8 g/ngày.

    • Tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch:
      + 0,6 – 1,2 g/ngày, chia làm 2 – 4 lần/ ngày.
      + Trong nhiễm khuẩn nặng có thể dùng 2,7 g/ngày và liều tối đa là 4,8 g/ngày cho những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.

    4.3 Liều điều trị tùy theo đối tượng

    Đối tượng là trẻ em

    • Bệnh than: Tiêm tĩnh mạch: 7,5 mg/kg/lần x 4 lần/ ngày.

    • Nhiễm ký sinh trùng babesia
      + Uống 20 – 40 mg/kg/ ngày x 3 lần/ ngày x 7 ngày, phối hợp thêm với
      quinin.

    • Viêm miệng hầu
      + Uống 10 – 20 mg/ kg/ ngày, chia 3 – 4 liều bằng nhau.
      + Tiêm tĩnh mạch: 15 – 25 mg/kg/ngày, chia 3 – 4 liều bằng nhau.

    • Dự phòng viêm màng trong tim
      + Uống 20 mg/kg, trước khi phẫu thuật 30 – 60 phút.
      + Tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp: 20 mg/kg trước khi phẫu thuật 30 – 60 phút.
      + Không nên tiêm bắp cho người bệnh đang điều trị với thuốc chống đông. 

    Trẻ em ≥ 12 tuổi và người lớn trong điều trị mụn trứng cá

    • Dùng gel, gạc, dung dịch: Bôi một lớp mỏng x 2 lần/ngày.

    • Dạng thuốc bọt: 1 lần/ngày.

    Đối tượng là người lớn

    • Viêm màng ối: Tiêm tĩnh mạch 450 – 900 mg x 3 lần/ ngày.

    • Bệnh than: Tiêm tĩnh mạch 900 mg x 3 lần/ ngày kết hợp với ciprofloxacin hoặc doxycyclin.

    • Nhiễm ký sinh trùng Babesia:
      + Uống 600 mg x 3 lần/ngày x 7 ngày, kết hợp với quinin. 

    • Nhiễm khuẩn âm đạo
      + Trong âm đạo: Viên đạn 100 mg đặt âm đạo trước khi đi ngủ x 3 hoặc 7 ngày liên tục cho người bệnh không mang thai và 7 ngày liên tục cho người bệnh mang thai.

    • Vết thương do bị động vật cắn: Uống 300 mg x 4 lần/ngày phối hợp với fluoroquinolon.

    Trên đây là liều một số bệnh cụ thể nhưng chỉ mang tính chất tham khảo. Do vậy, cần phải dùng đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định.

    5. Các tác dụng phụ có thể xảy ra

    • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy do Clostridium difficile, đau bụng.

    • Nổi mày đay, ngứa, hội chứng Stevens-Johnson, phát ban.

    • Xuất hiện phản ứng tại chỗ sau tiêm bắp, viêm tắc tĩnh mạch sau tiêm tĩnh mạch.

    • Tim ngừng đập (khi tiêm tĩnh mạch).

    • Gây viêm âm đạo.

    • Tác động khiến chức năng thận bất thường

    • Sốc phản vệ.

    • Ban đỏ da, viêm tróc da.

    • Ảnh hưởng lên hệ tạo máu: tăng bạch cầu ưa eosin; giảm bạch cầu trung tính hồi phục được, chứng mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu.

    • Viêm đại tràng giả mạc, viêm thực quản.

    • Vàng da, chức năng gan bất thường.

    6. Tương tác khi dùng chung với thuốc Clindamycin

    • Thuốc phong bế thần kinh: rất thận trọng khi người bệnh đang dùng thuốc này.

    • Thuốc tránh thai steroid uống, vì làm giảm tác dụng của thuốc.

    • Diphenoxylat, loperamid hoặc opiat

    • Aminoglycosid.

    7. Những lưu ý khi dùng thuốc

    • Tình trạng tiêu chảy: nếu bị tiêu chảy liên tục trong quá trình dùng thuốc nên ngừng dùng hoặc chỉ tiếp tục dùng nếu có sự theo dõi người bệnh chặt chẽ. Ngoài ra, nên có những liệu pháp điều trị phù hợp tiếp theo.

    • Bệnh đường tiêu hóa: phải thận trọng đối với nhóm người này hoặc đã từng bị viêm đại tràng trước đó. Người bệnh cao tuổi nhạy cảm đặc biệt với thuốc, cần theo dõi cẩn thận nhu động ruột và bệnh tiêu chảy.

    • Người bệnh suy gan: Clindamycin tích lũy ở những tình trạng nặng. Do đó phải điều chỉnh liều dùng. Nếu sử dụng trong thời gian dài, cần theo dõi định kỳ chức năng gan, thận và thực hiện xét nghiệm máu.
    • Sự phát triển quá mức của các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc: Dùng clindamycin có thể gây ra tình trạng này. Vì vậy, phải theo dõi người bệnh và làm kháng sinh đồ thường xuyên để có biện pháp điều trị thích hợp.

    • Đường dùng âm đạo: Do các sản phẩm dùng âm đạo có thể giảm tác
      dụng của dụng cụ tránh thai. Cho nên không nên dùng đồng thời hoặc trong 3 – 5 ngày sau khi điều trị.

    • Bệnh nhân AIDS: Clindamycin dung nạp kém ở đối tượng này.

    • Tránh dùng cho người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính. Vì không an toàn.

    • Lưu ý tránh tiêm tĩnh mạch nhanh.

    8. Các đối tượng sử dụng đặc biệt

    8.1 Phụ nữ mang thai

    • Vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu đáng giá độ an toàn khi dùng clindamycin trên đối tượng mang thai.

    • Hiện chưa có các bằng chứng về ngộ độc thai và quái thai trong các nghiên cứu trên động vật nhưng cũng chưa có các nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm tra chặt chẽ về việc dùng cho người mang thai hoặc khi sinh em bé.

    • Do đó, không nên dùng cho người mang thai, trừ khi thật cần thiết.

    8.2 Phụ nữ cho con bú

    • Thuốc clindamycin có thể bài tiết vào sữa mẹ.

    • Vì vậy nên tránh cho con bú trong thời gian điều trị thuốc.

    9. Xử trí khi quá liều Clindamycin

    Trong trường hợp quá liều không có chỉ định điều trị cụ thể.

    9.1 Triệu chứng

    • Kháng sinh gây ra rất ít tác dụng khi dùng quá liều cấp tính.

    • Tuy nhiên, triệu chứng thường gặp nhất là có thể buồn nôn và ói mửa.

    • Phát ban da có thể xảy ra nếu bệnh nhân đã bị dị ứng với kháng sinh.

    9.2 Xử trí

    • Không thể dễ dàng được loại bỏ clindamycin khỏi máu bằng cách lọc máu hoặc lọc màng bụng.

    • Thẩm tách máu và thẩm phân phúc mạc không hiệu quả trong việc loại bỏ clindamycin khỏi huyết thanh.

    • Việc thụt rửa dạ dày là không cần thiết. Có thể cho uống nước khi bị nôn mửa và tiêu chảy nặng nếu cần thiết. 

    • Tùy vào tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh mà đưa ra các biện pháp cụ thể phù hợp.

    10. Xử trí khi quên một liều Clindamycin

    • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.

    • Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.

    • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

    11. Cách bảo quản

    • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.

    • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.

    • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 15 – 30ºC.

    • Thông tin hạn dùng được trình bày đầy đủ trên bao bì sản phẩm. Do đó, hãy kiểm tra cẩn thận thông tin và không nên dùng nếu thuốc đã hết hạn.

    Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc Clindamycin. Thuốc được dùng điều trị với nhiều chỉ định rộng. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!

      Bài viết liên quan