Dược liệu
Khoản đông hoa: Loài hoa trị bệnh hô hấp
1. Đặc điểm
1.1. Danh pháp
-
Tên gọi khác: Đông hoa, Khoản hoa, Cửu cửu hoa, Liên tam đóa, Ngải đông hoa, Hổ tu, Đồ hề…
-
Tên khoa học: Flos Tussilaginis farfarae.
-
Thuộc họ: Cúc (Asteraceae).
1.2. Mô tả cây
Khoản đông hoa là cụm hoa có hình chùy dài, thường sẽ có 2 – 3 cụm hoa mọc đơn độc hoặc cùng mọc trên một cành. Dược liệu có đường kính 0,5 – 1 cm, chiều dài 1 – 2,5 cm, phần trên rộng hơn và phần dưới thon dần. Trên đỉnh cuống cụm hoa có nhiều lá bắc dạng vẩy. Mặt ngoài của lá bắc có màu đỏ nhạt hoặc đỏ tía. Mặt trong của lá được phủ kín bởi một lớp lông trắng. Dược liệu có mùi thơm, vị hơi đắng và hơi cay.
1.3. Đặc điểm sinh trưởng
Thường mọc nơi đất cát gần sông hoặc nơi đất ẩm ướt trong khe núi. Khoản đông hoa được tìm thấy ở Việt Nam với số lượng rất ít. Do đó, dược liệu thường được nhập từ nước ngoài để làm thuốc.
Tại Trung Quốc, dược liệu phân bố ở các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Nội Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng.
1.4. Bộ phận dùng
Nụ hoa gần nở.
1.5. Bào chế
Vào tháng 12 hoặc trước khi đất đóng băng, thu hoạch dược liệu, lựa các hoa chuẩn bị nở, bỏ cuống hoa và đất cát, rửa sạch phơi âm can. Để sống, ngâm rượu hoặc chích mật để sử dụng.
Khoản đông hoa tẩm mật: Sau khi thu hái dược liệu, loại bỏ hết tạp chất, rửa sạch. Cho Khoản đông hoa vào cùng với mật ong và nước sôi. Trộn đều dược liệu và ủ cho thấm đều. Sao dược liệu với lửa nhỏ đến khi có màu hơi vàng, sờ không dính tay. Lấy dược liệu ra ngoài và để nguội (cứ mỗi 10 kg Khoản đông hoa dùng 2,5 kg mật).
1.6. Bảo quản
Nơi khô, mát, phòng ngừa mốc mọt.
2. Hoạt chất trong cây
2.1. Thành phần hóa học
Faradiol, taraxanthin, tannin, rutin, hyperin, quercetin, tussilagone, tussilagin, phytosterol, ferulic acid, caffeic acid.
2.2. Tác dụng dược lý
-
Nghiên cứu trên động vật cho thấy có tác dụng giảm ho mạnh, uống thuốc sắc có thể thúc đẩy bài tiết trên đường hô hấp, có tác dụng trừ đàm rõ rệt.
-
Kích thích hệ thống thần kinh trung ương và ức chế sự co cơ trơn đường tiêu hóa, giảm co giật.
-
Thử nghiệm trên chuột bị ung thư phổi Lewis cho thấy việc sử dụng các polysaccharide có trong Khoản đông hoa vào trong liệu pháp hóa trị cisplatin/paclitaxel giúp giảm tình trạng giảm bạch cầu do liệu pháp kháng u và tăng hiệu quả của thuốc.
-
Sử dụng Khoản đông hoa lâu ngày, nồng độ cao có nguy cơ gây độc, phát triển khối u gan ở chuột.
3. Công dụng điều trị
3.1. Tính vị
Cay, hơi ngọt; tính ấm.
3.2. Quy kinh
Quy kinh Phế.
3.3. Công hiệu
Nhuận phế, đưa khí đi xuống, giảm ho, trừ đàm.
3.4. Chủ trị
Ho mới mắc, ho lâu ngày, ho suyễn nhiều đàm, ho do lao lực, ho ra máu.
3.5. Liều dùng
Dùng 5 – 9 g/ngày; nấu cao, làm thuốc hoàn hoặc tán.
3.6. Lưu ý
Quá liều có thể gây cảm giác kích thích, bứt rứt, bồn chồn và tăng hô hấp.
Người phế hỏa vượng thiêu đốt, phần âm trong cơ thể suy hư lao nhọc, ho nhiều không nên sử dụng.
4. Một số bài thuốc
4.1. Trị phế hư, ho nhiều
Nhân sâm, Bạch truật, Khoản đông hoa (bỏ cuống), Chích cam thảo, Bào xuyên khương, Chung nhũ phấn. Mỗi vị 15 g, tán thành bột, luyện thành mật hoàn, mỗi 30 g là 10 viên. Mỗi ngày uống 1 viên, trước khi ăn (Truyền tín thích dụng phương – Khoản đông hoa cao).
4.2. Trị suyễn ho không hết hoặc trong đàm có máu
Khoản đông hoa, Bách hợp tán nhỏ làm thành mật hoàn, bự cỡ quả nhãn. Mỗi ngày 1 viên, sau ăn, nhai nhỏ, uống với nước gừng (Tế sinh phương – Bách hoa cao).
4.3. Trị phế ung, ho, ngực đầy tức, run khi gặp lạnh, mạch sác, miệng khô khát
Khoản đông hoa (bỏ cuống) 45 g, Chích cam thảo 30 g, Cát cánh 60 g, Ý dĩ nhân 30 g. Chia làm 10 tễ, sắc uống (Sang dương khoa kinh nghiệm toàn thư – Khoản hoa thang).
Cũng như nhiều vị thuốc khác, trước khi sử dụng Khoản đông hoa, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia về chỉ định, liều lượng và thời gian dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất. YouMed mong muốn nhận được phản hồi cũng như quan tâm của bạn.
Bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan