• THUAN VIET PHARMA

    Bạn biết gì về thuốc Rhumenol Flu 500 (acetaminophen, loratadin, dextromethorphan)?

  • Thứ bảy, 16:34 Ngày 19/09/2020
  • 1. Thuốc Rhumenol Flu 500 là thuốc gì?

    Thuốc Rhumenol Flu 500 (acetaminophen, loratadin, dextromethorphan)

    Thuốc Rhumenol Flu 500 (acetaminophen, loratadin, dextromethorphan)

    Thuốc Rhumenol Flu 500 là thuốc kết hợp giữa 3 loại hoạt chất:

    • Acetaminophen: hay còn gọi là paracetamol, có tác dụng giảm đau, hạ sốt, giúp giảm các triệu chứng đau đầu, nhức đầu, cảm sốt.

    • Loratadin: giúp điều trị viêm mũi dị ứng, làm giảm các triệu chứng như chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, ngứa mắt…

    • Dextromethorphan: rất hiệu quả trong việc giảm triệu chứng ho.

    2. Chỉ định của thuốc Rhumenol Flu 500

    Thuốc Rhumenol flu 500 được dùng trong điều trị:

    • Sốt từ nhẹ đến vừa

    • Chứng đau nhức (đau đầu, đau nhức xương khớp, bắp thịt…)

    • Ho do họng và phế quản bị kích thích khi cảm lạnh thông thường hoặc khi hít phải chất kích thích.

    3. Hướng dẫn dùng thuốc Rhumenol Flu 500

    Thuốc Rhumenol Flu 500 (acetaminophen, loratadin, dextromethorphan)

    Thuốc Rhumenol Flu 500 là thuốc kê đơn. Bạn nên tham khảo và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng.

    3.1. Liều dùng

    • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: mỗi lần dùng 1⁄4 viên, ngày 2 lần.

    • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: mỗi lần dùng 1 viên, ngày 2 lần.

    3.2. Cách dùng

    Thuốc Rhumenol Flu 500 được uống với nước, có thể kèm hoặc không kèm thức ăn, nhưng để giảm kích thích dạ dày thì nên dùng thuốc sau ăn khoảng 20 phút. Tránh dùng thuốc Rhumenol flu 500 chung với rượu hay đồ uống chứa cồn.

    4. Chống chỉ định của thuốc Rhumenol Flu 500

    Rhumenol Flu 500 chống chỉ định trong các trường hợp:

    • Thiếu máu nhiều lần

    • Quá mẫn với các thành phần của thuốc

    • Có bệnh tim, phối, thận hoặc gan

    • Cơ thể thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenase

    • Đang dùng các thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế monoamin oxydase (MAO)

    • Trẻ em dưới 6 tuổi

    5. Đối tượng đặc biệt khi dùng thuốc Rhumenol 

    Thuốc Rhumenol Flu 500 (acetaminophen, loratadin, dextromethorphan)

    • Phụ nữ mang thai: chỉ nên dùng thuốc Rhumenol flu 500 khi thật cần thiết.

    • Phụ nữ cho con bú: hoạt chất loratadin có trong thuốc có thể tiết vào sữa mẹ. Chỉ dùng thuốc với liều thấp và trong thời gian ngắn khi cần thiết.

    • Người lái xe hay vận hành máy móc: thận trọng khi dùng do tác dụng ức chế thần kinh trung ương của dextromethorphan.

    6. Tương tác khi dùng thuốc Rhumenol Flu 500

    Thuốc Rhumenol Flu 500 bị ảnh hưởng bởi:

    • Rượu và các thức uống có cồn: uống rượu nhiều, lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ độc gan của acetaminophen.

    • Cimetidin, ketoconazol, erythromycin: các hoạt chất này khi dùng đồng thời với thuốc Rhumenol Flu 500 có thể làm tăng nồng độ loratadin của thuốc trong huyết tương.

    Các thuốc bị ảnh hưởng bởi thuốc Rhumenol Flu 500:

    • Coumarin và dẫn chất: dùng đồng thời làm tăng tác dụng chống đông.

    • Thuốc ức chế MAO, thuốc ức chế thần kinh trung ương: dùng đồng thời có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

    7. Trường hợp cần báo với bác sĩ 

    Bên cạnh các trường hợp thuộc đối tượng chống chỉ định, bạn cũng cần phải báo với bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu:

    • Ho nhiều đàm hay ho mạn tính do hút thuốc, hen hoặc tràn khí.

    • Có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp.

    • Đối tượng là trẻ em và người cao tuổi.

    • Đã từng bị phản ứng trên da nghiêm trọng do paracetamol gây ra.

    Trong quá trình dùng thuốc, khi phát hiện có bất kỳ dấu hiệu phát ban nào trên da như hồng ban, mụn mủ, tổn thương da và niêm mạc, bạn cần phải ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho y, bác sĩ.

    8. Tác dụng phụ thuốc Rhumenol Flu 500

    Thuốc Rhumenol Flu 500 (acetaminophen, loratadin, dextromethorphan)

    Người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn của Rhumenol Flu 500 trên da như ban đỏ, mề đay, nặng hơn có thể kèm sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Bên cạnh đó có thể có đau đầu, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, mệt mỏi, nhịp tim nhanh.

    Một số tác dụng ít gặp hơn có thể gây rối loạn tạo máu, thiếu máu, quá mẫn, đánh trống ngực và loạn nhịp; gây độc thận và gan khi dùng liều cao dài ngày, choáng phản vệ, ức chế hệ thần kinh trung ương và suy hô hấp.

    Thuốc có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng trên da, thậm chí đe dọa tính mạng như hội chứng Steven-Johnson, hội chứng da nhiễm độc hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính…

    Bạn hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

    9. Xử trí khi quá liều thuốc Rhumenol Flu 500 

    9.1. Triệu chứng quá liều

    • Acetaminophen: Trong 2 – 3 giờ đầu, thường xuất hiện buồn nôn, nôn và đau bụng. Có thể có xanh tím da, niêm mạc và móng tay do Methemoglobin – máu. Khi bị ngộ độc nặng, ban đầu có thể kích thích thần kinh như kích động, mê sảng. Sau đó có thể gây ức chế thần kinh; hạ thân nhiệt; mệt lả; thở nhanh, nông; mạch nhanh, yếu, không đều; huyết áp thấp và suy tuần hoàn.

    • Loratadin: buồn ngủ, nhịp tim nhanh, nhức đầu.

    • Dextromethorphan: Buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, bí tiểu tiện, trạng thái tê mê, ảo giác, mất điều hòa, suy hô hấp, co giật.

    9.2. Cách xử trí

    Người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị quá liều và ngộ độc thuốc kịp thời. Tùy theo triệu chứng ngộ độc để xem xét do hoạt chất nào gây ra mà các y, bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị thích hợp.

    10. Cách bảo quản thuốc Rhumenol Flu 500

    Thuốc Rhumenol Flu 500 nên được bảo quản ở nơi khô thoáng, nhiệt độ dưới 30°C và tránh ánh sáng. Để thuốc ở nơi xa tầm tay trẻ em.

    Cảm cúm cùng với các triệu chứng đau nhức hay dị ứng tuy ít nguy hiểm nhưng rất thường gặp và gây khó chịu cho người bệnh. Thuốc Rhumenol Flu 500 giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng liên quan đến cảm cúm như đau nhức, sổ mũi, ho… Bạn cần sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay bác sĩ để được tư vấn.

                                                                                                                                                      Dược sĩ Trần Vân Thy

      Bài viết liên quan