• THUAN VIET PHARMA

    Những điều cần biết về thuốc kháng sinh Cefoxitin

  • Thứ bảy, 10:31 Ngày 20/06/2020
  • 1. Thuốc cefoxitin là gì?

    Thuốc cefoxitin là một kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 2. Tác dụng diệt khuẩn do ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

    Cefoxitin có phổ tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương nhưng mạnh hơn với các vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là Bacteroides fragilis.

    Cefoxitin bền với nhiều loại beta-lactamase, kể cả của Bacteroides spp. Tuy nhiên, đã xuất hiện đề kháng ở B. fragilis. Có thể có sự đề kháng chéo với các kháng sinh khác.

    thuoc-cefoxitin

    2. Chỉ định của thuốc cefoxitin

    Thuốc cefoxitin được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm các nhiễm khuẩn tại:

    • Đường hô hấp dưới: viêm phổi, áp xe phổi.
    • Đường tiết niệu.
    • Ổ bụng: viêm phúc mạc, áp xe ổ bụng.
    • Phụ khoa: viêm nội mạc tử cung, viêm mô tế bào chậu, viêm vùng chậu (tuy nhiên, cefoxitin không có tác dụng đối với viêm vùng chậu do Chlamydia trachomatis).
    • Nhiễm trùng huyết.
    • Xương khớp.
    • Da và cấu trúc da.

    Ngoài chỉ định điều trị, thuốc cefoxitin còn được chỉ định dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật như: phẫu thuật đường tiêu hóa, phẫu thuật cắt bỏ tử cung qua đường âm đạo hay qua đường bụng hoặc mổ lấy thai.

    thuoc-cefoxitin

    3. Liều và cách dùng thuốc cefoxitin

    Bạn nên sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Liều dùng và đường tiêm nên được quyết định bởi bác sĩ.

    Đường dùng: tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch không liên tục. Ngoài ra, đường tiêm truyền tĩnh mạch liên tục sẽ được dùng nếu cần liều cao cefoxitin.

    Liều dùng tham khảo cho người lớn:
    • Nhiễm trùng nhẹ, không biến chứng: 1g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 – 8 giờ, tối đa 3 – 4 g/ngày.
    • Nhiễm trùng trung bình-nặng: 1g tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ hoặc 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 – 8 giờ, tối đa 6 – 8 g/ngày.
    • Hoại tử khí: nhiễm trùng thường cần kháng sinh liều cao hơn. 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ hoặc 3g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ, tối đa 12 g/ngày.
    • Dự phòng trong phẫu thuật:
      • Mổ ruột thừa, phẫu thuật cắt bỏ tử cung: 1 – 2g tiêm tĩnh mạch.
      • Nội tạng bị vỡ: 1 – 2 g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ.
    • Suy thận: với độ thanh thải creatinin từ:
      • 30 – 50 mL / phút: 1 – 2 g mỗi 8 – 12 giờ.
      • 10 – 30 mL / phút: 1 – 2 g mỗi 12 – 24 giờ.
      • 5 – 9 ml / phút: 500 mg – 1 g mỗi 24 – 28 giờ.
      • < 5 mL / phút: 500 mg – 1 g mỗi 24 – 48 giờ.
    Liều dùng tham khảo cho trẻ em:
    • Nhiễm trùng:
      • Dưới 3 tháng tuổi: An toàn & hiệu quả chưa được thiết lập.
      • Từ 3 tháng tuổi trở lên: tiêm tĩnh mạch 80 – 160 mg/kg/ngày, chia ra mỗi 4 – 6 giờ, liều cao hơn nên được dùng cho nhiễm trùng nặng hơn.
    • Dự phòng phẫu thuật: 30 – 40 mg/kg tiêm 30 – 60 phút trước khi phẫu thuật và 30 – 40 mg/kg mỗi 6 giờ trong 24 giờ sau đó.
    • Suy thận: điều chỉnh tương tự như người lớn.

    thuoc-cefoxitin

    4. Chống chỉ định của thuốc cefoxitin

    Không dùng thuốc cho người quá mẫn với cefoxitin và các kháng sinh nhóm cephalosporin nói riêng và beta-lactam nói chung, tiền sử phản vệ với penicilin hoặc quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

    5. Thận trọng khi sử dụng

    Sử dụng kéo dài có thể dẫn đến bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, bao gồm tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc liên quan đến C. difficile (đã thấy khi điều trị sau phẫu thuật trên 2 tháng).

    Sử dụng thận trọng ở người có:

    • Tiền sử dị ứng với penicillin, đặc biệt phản ứng quá mẫn (sốc phản vệ, phù mạch, nổi mề đay). Nếu phản ứng quá mẫn xảy ra, ngừng ngay lập tức.
    • Tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng.
    • Suy giảm chức năng thận.
    • Tiền sử rối loạn co giật, mức độ cao, đặc biệt trong suy thận, có thể làm tăng nguy cơ co giật.
    Đối tượng đặc biệt:
    • Ở trẻ trên 3 tháng tuổi, dùng liều cao hơn có liên quan tăng tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ái toan và tăng AST.
    • Người cao tuổi: do thuốc đào thải qua thận và người cao tuổi dễ bị suy giảm chức năng thận, thận trọng lựa chọn liều và theo dõi chức năng thận.

    thuoc-cefoxitin

    6. Tác dụng không mong muốn

    Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc cefoxitin là tiêu chảy và phản ứng tại chỗ tiêm:

    • Phản ứng tại chỗ tiêm: đau cơ, mềm cơ, co cứng cơ (khi tiêm bắp), viêm tắc tĩnh mạch huyết khối (khi tiêm tĩnh mạch).
    • Phản ứng dị ứng: khó thở, ban da, nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, viêm da tróc vảy, tăng bạch cầu ái toan, sốt…Phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ và phù mạch, hoại tử thượng bì nhiễm độc hiếm khi xảy ra.
    • Tim mạch: hạ huyết áp.
    • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm đại tràng màng giả.
    • Máu: tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu, chứng tan máu, thiếu máu bao gồm thiếu máu tán huyết, suy tuỷ xương, thời gian prothrombin kéo dài.
    • Gan: vàng da, tăng transaminase.
    • Thận: tăng creatinin huyết tương, tăng ure huyết. Độc thận, viêm thận kẽ và giảm niệu ít xảy ra.
    • Bệnh nhược cơ như yếu cơ, khó nhai, khó nuốt, khó thở, thay đổi thị lực.

    Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.

    7. Tương tác với thuốc cefoxitin

    • Kháng sinh cefoxitin có thể làm giảm tác dụng điều trị của: vắc xin BCG (tiêm chủng) và BCG (trị liệu), vắc-xin thương hàn, vắc-xin dịch tả (tránh tiêm vắc-xin khi đang dùng kháng sinh, nên hoãn dùng vắc-xin thương hàn ít nhất 3 ngày và vắc-xin dịch tả trong 14 ngày sau khi sử dụng kháng sinh), natri picosulfat, lactobacillus và estriol.
    • Kháng sinh cefoxitin có thể làm tăng tác dụng của: aminoglycosid (tăng độc thận), thuốc đối kháng vitamin K như warfarin (tăng đông máu).
    • Probenecid: có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của cephalosporin.

    Thông báo cho bác sĩ những thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin, thuốc dược liệu…), thực phẩm mà bạn đang sử dụng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho dược sĩ, bác sĩ.

    8. Quá liều và cách xử trí

    Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi lỡ dùng thuốc quá liều, cần ngừng thuốc cefoxitin ngay và đưa người bệnh đến bệnh viện đề cấp cứu.

    9. Phụ nữ có thai và cho con bú

    Cefoxitin đi qua nhau thai. Chưa thấy tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh lớn hoặc các tác dụng bất lợi khác trên thai nhi hoặc mẹ sau khi sử dụng kháng sinh cephalosporin (bao gồm cả cefoxitin) trong khi mang thai. Cefoxitin là một trong những loại kháng sinh được khuyến cáo sử dụng dự phòng trước khi sinh mổ. 

    10. Cách bảo quản

    Bảo quản thuốc nơi khô mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C. Sử dụng thuốc ngay sau khi hoàn nguyên. Nếu thuốc được bảo quản ở nhiệt độ thấp thì phải phục hồi trở lại đến 25°C trước khi dùng. Dung dịch sau pha ổn định trong 6 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 7 ngày trong tủ lạnh (< 5°C)

    Thuốc cefoxitin là kháng sinh dùng để điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc này chỉ được dùng theo đơn của bác sĩ. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc cefoxitin. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

    Nguồn: Dược sĩ Trần Vân Thy

      Bài viết liên quan